ĐƯỜNG PHƯỢNG BAY
Riêng tặng các Linh Mục đã và đang vươn lên cho một lý tưởng.
HAI
Ấp Trại Hầm như còn chìm trong làn sương mai dày đặc. Trận mưa đêm vừa qua có lẽ làm tăng thêm bầu khí lạnh lẽo của vùng ngoại ô heo hút này. Tiếng chim gọi nhau ríu rít tứ phía như báo hiệu một ngày nữa đã bắt đầu. Lâu lâu lại có tiếng xe chạy ngoài con lộ, tuy có trải nhựa nhưng xem chừng lắm ổ gà, dường như muốn phá tan khung cảnh cô tịch đìu hiu trong xóm thôn.
Trại Hầm ở vào địa thế khá ẩn khuất và hầu như thiếu vắng cảnh buôn bán thương mại. Tuy nhiên, Trại Hầm chắng xa lạ gì với dân chúng vùng Đà Lạt, bởi lẽ nơi đây có những vườn mận nổi tiếng hàng đầu. Xem chừng danh tiếng mận trại hầm đã đồn thổi đi khắp chốn, kể cả thủ đô Sài Gòn. Hàng năm, cứ tới mùa Giáng sinh và Tết, mận đã đem lại nguồn lợi tức không nhỏ cho các chủ vườn. Các vựa trái cây ngoài thị xã đua nhau vào tận nơi trả giá.
Lúc này mới vào thu nên mùa đơm trái coi như mới bắt đầu khởi sự. Sinh hoạt trong ấp còn chìm lắng, nhàn hạ. Cuộc sống êm đềm lặng trôi như giòng suối nhỏ chảy qua cổng chùa sư nữ toạ lạc sâu vào phía chân đồi thoai thoải ở phía nam thôn ấp. Dân chúng đã nhiều năm quen với nếp sống cô tịch này và giữa cảnh đất nước loạn ly, họ chỉ mong được an phận, dẫu có nghèo, có thiếu thốn đi nữa. Ngoài những trường hợp phải đến trụ sở ấp làm giấy tờ, hay có việc phải tới trường sơ cấp gặp mấy cô giáo giải quyết những trường hợp bất thường liên hệ đến con cái, họ chỉ còn biết một tháng đôi lần lên chùa thắp nhang khấn Phật cầu ơn cho gia đình.
Sáng nay, ni cô Diệu Thanh dậy thật sớm. Cả tuần qua xem chừng giấc ngủ không thấy thoải mái, kể từ hôm nàng theo sư bà đi dự lễ khánh thành bên Học viện. Diệu Thanh cố gắng để không tin rằng lý do khó ngủ là tại cái ngày hôm đó, nhưng đầu óc nàng cứ như đổ lỗi cho cuộc ‘du hành’ khác thường tuần rồi. Nàng không hề dám hé môi kể cho sư bà hay, cũng như chẳng muốn nhắc lại hoặc nhận định gì thêm về những diễn biến của buổi thăm viếng ấy. Đột nhiên nàng thấy sợ. Sợ sư bà đọc được tâm tư mình rồi hỏi han, thắc mắc. Nàng vẫn biết sư bà rất quý mến vả tin cẩn mình. Nàng biết rõ lắm, kể từ buổi xin vào tu ở đây, mỗi ngày nàng mỗi được thêm cảm tình của cả sàu, bảy chị em trong chùa. Từ việc chăm chú kinh kệ cho đến chuyện chu toàn bổn phận thường nhật, khi săn sóc mấy khoảng vườn mận, lúc tưới bón luống rau nương khoai, khi lại qua dãy nhà ‘thợ’ để đan cói, cuốn mành…, nhất nhất nàng đều nhận thấy mình thật thành công, đắc ý, kèm theo niềm hãnh diện và thản nhiên hết mực.
Thế mà sáng nay Diệu Thanh bất ngờ thấy một đổi thay lớn lao nơi tâm trí. Lúc ngồi trước bàn thờ Phật lâm râm tụng niệm, nàng bỗng thấy mình như người mất hồn, miệng đọc mà lòng không thể suy, đầu óc vô phương tập trung được như khi trước. Nhìn lên tượng đức Như Lai, nàng thấy lo sợ đến độ run rẩy cả hai tay. Có thể nào mình thay lòng đổi dạ được ! Đường tu của mình đang trơn tru an bình mà ! Diệu Thanh chợt nhớ lại mấy năm trước đã có dịp đọc tập truyện Hồn Bướm Mơ Tiên của nhà văn Khái Hưng, theo chương trình văn chương bậc trung học, và tâm sự ‘chú tiểu’ Lan đã một lần gây nhiều xúc động cho nàng. Chẳng lẽ mình đây lại rơi vào trường hợp khúc mắc đầy rắc rối của Lan ! Mình không khổ sở đến độ là gái mà phải giả trai lên chùa tu như Lan, nhưng cơ hồ lòng trí mình đang bị xâu xé bởi hình ảnh một người thanh niên khác tôn giáo cũng đang tu gần đây. Diệu Thanh không thể tự dối mình được. Từng đêm nàng đã trằn trọc bởi dáng dấp và giọng nói của Hoàng. Như hệt cung cách Nguyễn Du diễn tả trong Đoạn Trường Tân Thanh : Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người, nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi. Đặc biệt mỗi lúc chiều tà, ngước nhìn ánh dương còn le lói phía trời tây bắc, Diệu Thanh lại thấy như in trong đầu bóng ngôi học viện đang ngạo nghễ vươn lên khỏi hàng thông hùng vĩ bên bờ hồ. Rồi nữa, mấy căn nhà của trường nữ Bùi thị Xuân đã nhiều lần như thách thức, như chọc ghẹo nàng. Biết đâu Hoàng chẳng đang ngó qua bên đó chăm chú ! Chàng đâu có thèm dành phút giây nào để tưởng nhớ đến ngôi chùa bé nhỏ nơi thôn ấp hẻo lánh này !
Bỗng có tiếng chó sủa vang đâu đó khiến Diệu Thanh thấy chợt tỉnh. Như để được tăng thêm sức mạnh, nàng lại rón rén lấy mấy cây hương đốt rồi cắm vào bát nhang trước bàn thờ, đoạn quỳ xuống chấp tay khấn niệm như vừa đủ cho đấng linh thiêng nghe :
- Xin Phật tổ tỏ lòng từ bi thương cứu giúp con. Con đã thề nguyền cố dứt bỏ lòng trần tục. Xin cho con đủ nghị lực sống tròn kiếp tu…
Đã đứng lên một hồi lâu rồi mà Diệu Thanh vẩn thấy lòng trống vắng lạ thường. Nàng mường tượng mình chẳng còn là Diệu Thanh của tháng năm trước đây nữa. Chưa lần nào tâm tư nàng lại quay cuồng trong cái vắng lặng hắt hiu ôm kín cảnh chùa như hôm nay. Bầu khí âm u tịch mịch của buổi sớm mai tình cờ như có mãnh lực khiến nàng phải đưa trí ôn lại quãng đời dĩ vãng. Và bất giác, Diệu Thanh nhắm chặt đôi mắt. Những hình ảnh đẹp như thơ của chuỗi ngày còn cắp sách đến trường bắt đầu xuất hiện. Nàng không thể nào quên được những kỷ niệm ngà ngọc bên lũ bạn. Trường trung học Di Linh đó, nơi vất vả với những bài vở, nhất là hai dịp thi tú tài. Nhưng đấy cũng là nơi nẩy sinh mối tình đầu mộng mơ của nàng. Người yêu là một chàng thiếu uý Biệt động quân, đã ngột ngột đi vào lòng đất sau một cuộc tấn kích bất ngờ của quân địch vào quận lỵ. Cùng chôn theo chàng là những cánh thơ đầy ắp ân tình, những lần đan tay sánh bước bên đồi trà, những lời thương yêu ngào ngạt hương hoa.
Diệu Thanh như đã chết một lần. Bầu trời dịu hiền của vùng Di Linh không đủ sức tạo ủi an. Tình nghĩa sâu đậm của bạn bè không níu kéo được niềm vui. Mọi ước mơ như tan theo mây khói, bởi vườn hoa thương yêu đã tàn lụi, héo hắt. Thế là nàng đã rớt khi thi tuyển vào Đại học Sư phạm Sài Gòn. Tháng ngày càng thêm ảm đạm. Bầu trời tưởng chừng đầy những mây đen lăm le kéo về làm mưa giông bão tố. Đôi ba lần ý nghĩ quyên sinh lởn vở trong đầu, nhưng Diệu Thanh đã chọn đường tu. Qua lời giới thiệu của một Phật tử thuần thành, nàng đã lên thăm chùa sư nữ trên Đà Lạt để rồi cuối cùng người nữ sinh sầu muộn hôm nào đã trở thành ni cô Diệu Thanh.
Gia đình nàng sững sờ. Mấy đứa em ngơ ngác hỏi nhau rồi nhất định cản ngăn. Nhưng nàng đã ra đi, không ngần ngại, chẳng vấn vương. Cô bạn gái thân nhất gởi tặng nàng bản nhạc Truyện tình Lan và Điệp dài đằng đặc với ba ca khúc liên tục, nhưng rồi Diệu Thanh xin gửi trả lại, viện cớ mình đi tu nào đâu tại người yêu bội tình ! Diệu Thanh tự nghĩ nếu Viễn bỏ nàng để đi yêu thương rồi cưới người khác, chắc nàng chẳng đau sầu như hoàn cảnh lúc này. Tỉnh người đời đổi thay, lịch sử nhân loại đã liên tục chứng kiến, có chi mà phải để lòng nát tan, tủi hận. Nhưng ở đây, nàng thấy sầu buồn cho số phận. Ông trời như không cho mình phần may của duyên số. Mối tình đầu đã là tất cả đời nàng. Như cung đàn đã lỡ. Sống nào khác chi đã chết. Vòng giây oan nghiệt đã xiết chặt cả hiện tại lẫn tương lai. Nên tất cả như đã hết. Làm chi khác được nếu chẳng cắt tóc vào chùa !
Ngay xuất gia, Diệu Thanh chỉ còn một niềm tin duy nhất là với tiếng chuông sớm mai và câu kinh ban chiều, đời nàng sẽ được gói trọn trong ánh mắt của đấng Thế tôn để rồi tìm lại được phần nào ý nghĩa. Nàng dần bớt than thân trách phận. Bóng người xưa dần phai theo tình yêu cũ. nhiều lần ngồi thả hồn vào cõi hư vô, Diệu Thanh thấm nhuần đạo lý sắc sắc không không của Phật tổ. Bởi đó nàng không còn ước mộng viễn vông rằng kiếp sau sẽ được gặp lại Viễn. Dù ở kiếp nào, Diệu Thanh không còn thấy lý do để hận đời nữa. Khói nhang cửa thiền đã có tác dụng như lời ru êm, như tiếng vỗ về để Diệu Thanh tìm được vui giữa cảnh đời vô thường trớ trêu.
Rồi tháng ngày qua, với tâm sự nguôi ngoai thanh thản, Diệu Thanh đã rắp tâm học hỏi giáo lý nhà Phật. Trước đây, nàng chỉ mơ hồ nghe nói đến những tiếng Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Nát bàn… và cũng chỉ năm thì mười hoạ mới theo mẹ lên chùa trong những dịp lễ lớn như Vu lan hoặc ngày Phật đản. Giờ đây, qua những buổi học hỏi với sư bà cũng như những dịp tu nghiệp định kỳ tại nhiều chùa khác nhau, Diệu Thanh đã nắm khá vững giáo thuyết của đạo. Cuộc đời và thân thế của Phật tổ Thích Ca Mâu Ni đã được nàng nghiền ngẫm chăm chú nhiều lần và học được từ ngài những bài học lớn về các đức Đại hùng, Đại lực và Đại bi.
Mới đây sư bà lại thỉnh được ni sư nổi danh Huệ Liên từ Huế vào dạy liên tục mười ngày về kinh điển Phật giáo cũng như những phương thức tham thiền tân kỳ nhất. Đặc biệt hơn nữa, tháng trước bên viện đại học có tổ chức mấy buổi thuyết trình về năm thời kỳ hoằng pháp của Phật giáo và ý nghĩa đời tu ngày nay. Diệu Thanh và hai ni cô xuất sắc khác đã được sư bà cử đi tham dự, khiến nàng mỗi ngày thấy mình mỗi tự tin và hăng say hơn trong bước đường theo chân đấng sáng lập đạo Phật mà tu thân để cứu nhân độ thế. Và rồi sau hơn ba năm trời nấp bóng cửa thiền và ân cần giữ đủ tam quy ngũ giới nhà chùa, Diệu Thanh đã tỏ ra khá chững chạc và nổi bật hơn cả trong các chị em.
Nhưng rồi buổi hạnh ngộ hôm nào đã bất thần gây sóng gió trong hồn Diệu Thanh. Bóng dáng Hoàng gọn gàng trong chiếc áo dòng đen đã làm xáo trộn nếp sống bình thản cũ nơi nàng. Nét hồn nhiên trong sáng cộng với khuôn mặt cương nghị của chàng tựa như cứ đeo đuổi ám ảnh Diệu Thanh không phút rời. Lạ thật, bên đạo Chúa đào đâu ra được lắm thanh niên tuấn tú hy sinh cho lý tưởng đến thế ! Nhất định con số đông đảo bên học viện ấy phải là những chàng trai có học, có tương lai hứa hẹn trên đường tiến thủ công danh. Nhưng họ đã vượt lên trên cái tầm thường của trần đời, cơ hồ đeo vào mình những đôi cánh thiên thần để bay bổng trong không gian diệu vợi. Nào khác chi vết bước của đức Quan Âm từ bi hải hà mà mình đang tôn thờ theo gót.
Diệu Thanh cố vùng vẫy để thoát ra khỏi những ý nghĩ đang trói chặt tim óc nàng đến nghẹt thở. Nàng muốn bịt đôi tai lại để khỏi nghe âm vang trong đầu giọng nói ngọt ngào đầm ấm của Hoàng. Đôi mắt nữa, ước sao thôi gợi ảnh kẻo còn thấp thoáng thấy làn tóc bồng bềnh trên vầng trán cao ! Làm sao để thôi tưởng tượng chàng đang ung dung bước xuống những cấp thang lầu hay thong thả dạo bước ngoài vườn hoa trước nhà ! Cái gì đã xâm chiếm, đã tấn công vũ bão vào hồn mình ? Tôn giáo đột nhiên mất dần cường lực nơi mình chăng ? Lẽ nào ái tình lại xuất hiện để đe doạ cuộc sống an vui mình đã phải mất mấy năm trời gầy dựng vun xới ! Chỉ biết rõ rằng, sáng nay, dẫu đã một mình ngồi cầu khấn trước Phật tổ lâu giờ, Diệu Thanh cũng chẳng thấy lòng nguôi ngoai được bao nhiêu. Cho tới lúc một hồi chuông vang dội đánh thức cà nhà ra tụng kinh nơi chánh điện, nàng vẫn chưa định thần lại được. Chả bù cho trước đây. cuối giờ dần qua đầu giờ mão mỗi buổi sớm mai vẫn là những phút giây thanh thản sảng khoái nhất trong ngày, khi Diệu Thanh được sắp hàng sau sư bà để cùng các ni cô khác ngâm nga những bài kệ có tác dụng siêu thăng và giải thoát tâm tư, đem ánh sáng và sinh lực cho cả một ngày tu đầy ý nghĩa.
Hôm nay, Diệu Thanh chỉ mơ hồ thấy bóng sư bà ngồi chủ toạ giữa chiếc chiếu hoa cạp điều, sang sảng cất giọng đọc theo quyển sách đặt trên chiếc giá trước mặt. Tai nàng cũng nghe thấy từng tiếng mõ lóc cóc qua nhịp tay vị trưởng chùa, cũng như lâu lâu điểm thêm tiềng chuông nhỏ rất ròn, nhưng tất cả chỉ như những âm thanh vang vọng từ một cõi xa xăm nào đó. Rồi mùi trầm làn hương cũng không còn gợi được nét tôn nghiêm huyền ảo của ngày nào nữa, mà vô tình như tạo nên một bầu khí u tịch đầy vẻ kỳ quái trước mắt Diệu Thanh. Nàng cố vận dụng hết nét tỉnh táo để cũng ngâm nga theo các ni cô ngồi cạnh, nhưng bất giác thấy mình như một người khách lạ. Đôi lúc nàng có cảm giác sợ hãi tột độ. Rồi mặc cảm tội lỗi lảng vảng trong đầu. Gắng gượng lắm Diệu Thanh mới kết thúc giờ tụng kinh sớm mai mà không để xảy ra chuyện gì bất thường xáo trộn.
Lúc ra vườn mận làm công tác dẫy cỏ, Diệu Thanh như cố tránh né mọi người. Nàng ráng hít thở thật nhiều khí mát ban mai, hy vọng đầu óc sẽ bớt căng thẳng và tháng ngày mơ hồ chờ đợi sẽ bớt dài như những cành mận mãi vươn ra. Tiếng nước chảy róc rách dưới khe suối khiến nàng bỗng thấy vui vui. Diệu Thanh cố tìm an ủi mình. Mọi biến cố rồi cũng chỉ như những bóng mây. Đến rồi lại đi. Thăng cũng sẽ trầm. Đột nhiên nàng khẽ mỉm cười. Một cánh chim bay qua đầu rồi cất tiếng hót lanh lảnh như muốn cảm thông, khích lệ.
Bỗng ni cô Nhã Minh xăm xăm từ đâu bước tới, vai quẩy đôi thùng vắt vẻo, xem chừng như xuống suối gánh nước lên tưới hoa trước chùa. Dáng người phục phịch thô kệch, những Nhã Minh rất hợp tính với Diệu Thanh. Dĩ nhiên Diệu Thanh đã từng bày tỏ tâm sự với người bạn đồng môn. Thây Diệu Thanh một mình làm cỏ, Nhã Minh gọi với từ xa :
- Mô Phật, Diệu Thanh phải không ? Sao hôm nay ra vườn sớm thế ! Quên cả điểm tâm, đúng không ?
Diệu Thanh nói vội :
- Hôm nay em không đói, Nhã Minh ạ. Vả lại muốn vận động sớm một chùt cho khoẻ khoắn.
Nhã Minh đặt đôi thùng xuống cạnh một gốc mận, tiến về phía trước Diệu Thanh rồi hạ giọng :
- Diệu Thanh à, có chi làm chị mệt và… buồn phải không ? Mô Phật, mấy hôm nay em linh cảm có chi khang khác với chị.
Diệu Thanh ấp úng :
- Không có chuyện chi… đáng lưu ý đâu Nhã Minh ạ. Có thể vì thời tiết thay đổi nên em không được khoẻ trong người.
Nhã Minh nhìn soi mói :
- Nhưng em thấy lần này chị như không được vui và hầu như chả thấy đâu nét hồn nhiên trước nữa.
Diệu Thanh bào chữa :
- Có thể em bị lũ ma vương quấy nhiễu đôi chút. Chắc nay mai cũng sẽ qua chị ạ. Em định mỗi sáng sẽ dậy sớm hơn để thắp nhang cúng Phật tổ xin được phù hộ cách riêng.
Nhã Minh gật gù :
- Phải đấy. Diệu Thanh nên thận trọng. Chớ để tâm trí bị mất phần khinh an tinh tấn. Tốt nhất chị nên tập trung tư tưởng để chuyên chù hơn về Tứ Vô Lượng Tâm, tức là bốn đức từ bi hỷ xã. Mong chị được chóng toại nguyện nhé.
Lúc Nhã Minh đã đi khuất sau hàng dậu dâm bụt, Diệu Thanh như hoàn hồn, thở phào trong cảm giác sảng khoái. Lạ thật, Nhã Minh đọc được cả tâm hồn mình nữa sao ! Giá nàng được ở ngoài đời sống nghề bói toán, nhất định Nhã Minh sẽ phải nổi tiếng và đắt khách lắm.
Bỗng Diệu Thanh tự hỏi phải chăng nàng đã nỡ tâm nói dối người bạn thân lúc nào cũng mong cho mình được may lành. Nhưng nàng lại tự biện minh cho mình ngay, vì thật ra nào đã có chuyện chi cụ thể gây trở ngại cho đường tu đâu mà cần thổ lộ hết ngay với Nhã Minh ! Bóng hình của Hoàng chẳng qua cũng chỉ là sự hiện diện của một người tu sĩ như bao người khác mình đã từng gặp. Chưa một lời nói hay cử chỉ nào khiến mình phải lo sợ hoặc ân hận về mối liên hệ hai bên. Lý tưởng tu trì vẫn nồng nhiệt dạt dào nơi tâm trí. Thôi, cứ coi như mấy ngày nóng sốt cảm mạo của tinh thần. Rồi tất cả sẽ qua. Mình cũng sẽ quên. Tháng ngày sẽ lại yên hàn thanh thản.
Diệu Thanh cố trấn tĩnh mình liên tục như thế. Nàng ước mong ngày cứ dài mãi để nàng còn được bầu bạn với từng vạt nắng, từng cơn gió, từng tiếng chim ríu rít trên cành. Nàng sợ bóng đêm. Giấc ngủ khó khăn chỉ tạo đêm thành kinh hoàng, ác mộng.
• Đường Phượng Bay
ba
Một buổi trưa êm ả trôi qua, trong bầu không khí nóng bức của Sai gon mùa hạ. Thảo thong thả tản bộ ra ngoài hành lang hóng mát. Tuy chưa phải ngày rời bệnh viện, nhưng lúc này chàng đã có cái cảm nghĩ chính thức giã từ đau ốm thuốc thang, để nhập cuộc trở lại với thế giới ồn ào sinh hoạt.
Cuộc sống mới bắt đầu từ đây, kể cả với bản thân, với môi trường hoạt động, cũng như với khung cảnh đất nước. Sài Gòn đã thực sự đổi thay qua nét mặt dân chúng, qua phương tiện di chuyển, qua công việc làm ăn. Ngồi trên bậc thềm, lưng dựa vào bức tường thấp của hành lang nhìn ra mặt tiền bệnh viện, chàng đã thấy cuộc đổi đời đang ghi đậm nét trên những nụ cười gượng gạo và những bước chân vội vã Người ta đang tập làm quen với hình ảnh của những anh bộ đội nước da xanh mét, đi đứng ngượng ngập với bộ quần áo thùng thình không hề cắt sửa, những người công an áo vàng lúc nào cũng sẳn sàng thủ thế với khẩu AK trên vai, đi tuần hành với nét mặt lầm lì lạnh nhạt, những bích chương hô hào đi vùng kinh tế mới hay cổ võ lao động được dán hay treo khắp ngả, nhất là với bức ảnh cụ Hồ mỉm cười với bộ râu mấy chòm được treo cao ở những nơi trọng đại nhất. Một lần nữa, Thảo lại hoa mắt khi đọc những giòng chữ kẻ màu vàng trên tấm banderole đỏ chói chàng đã đọc ngày vào xin nằm ở đây: Nhân dân làm chủ, nhà nước quản lý và đảng lãnh đạo. Với những biến cố từ cuộc cách mạng " Mùa Thu”, với cuộc ra đi của cả triệu người từ Bắc xuống Nam, trong đó có chàng, và với những sự kiện và diễn tiến của cuộc chiến hơn 20 năm nay, chàng đã phần nào hiểu được thực chất của chế độ mới. Hơn thế nữa, chỗ đứng của tôn giáo mới thật là thê thảm, đặc biệt cho những thành phần như chàng, những linh mục thuộc giáo hội Công Giáo. Dân chúng đang bàng hoàng chuyền tai nhau câu nói đe dọa, chẳng biết phát xuất từ đâu: Nhất hồi, nhì cư, tam tôn, tứ cảnh. Thực tế, chàng không là hồi chánh viên để được xếp vào hàng đầu của cái "menu” hãi hùng này, nhưng lúc nào cũng mang cái nhãn di cư to tướng, rồi lại thuộc thành phần tôn giáo gộc, quan trọng hơn cả mấy ông cảnh sát " bạn dân" của chính phủ miền Nam ngày nào. Cái hình ảnh não nề khi đứng ngắm đoàn xe cơ giới tiếp nối nhau của toán quân "giải phóng" đầu tiên rầm rộ theo đại lộ Thống Nhất tiến vào dinh Độc Lập lúc này lại hiện rõ nét trong đầu chàng, sau hơn tuần lễ cơ hồ nằm ngủ yên qua cơn bạo bệnh.
Thảo còn nhớ rõ lắm, rõ từng chi tiết của cuộc "tang điền biến ra thương hải" trên mảnh đất nước này, bắt đầu với chàng bằng cuộc di tản lâm li rời xa thành phố cao nguyên đã từng ôm trọn tuổi thành thân của mình vào đời. Cùng với đám giáo dân hốt hoảng ngơ ngác, chàng đã không giấu nổi niềm xúc động, bàng hoàng tột độ khi phải cùng với họ theo chân đoàn "lui binh” theo ngả Phan Rang để về Sài gòn, dẫu rằng chàng đã cố tự trấn tĩinh để khích lệ và giúp họ giữ vững niềm tin. Thảo đã cùng với họ nhẫn nại vượt qua được hầu hết mọi khó khăn cơ cực trên đoạn đường chạy loạn gai chông, để mong một lần nữa thoát
khỏi những bàn tay vô thần chuyên chế. Nhưng những bàn tay ấy đã bất ngờ vươn tới trước mặt, chặn nghẽn lối đi và rồi hôm nay, trên khắp nẻo đất nước, người dân đã buông xuôi như đành chấp nhận cánh cửa định đang khép lại.
Đêm cuối cùng của chế độ miền Nam, chàng đã vào xin tá túc tại Đại chủng viện Sàigòn, trên đường Cường Để. Thảo đã cùng mọi người ở đây thao thức hầu như suốt đêm, trao đổi tâm sự hay những nhận định của thời cuộc mới, để rồi, sáng ngày sau, khi được tin vị tân lãnh đạo quốc gia đã tuyên bố đầu hàng, ai nấy đều như nghẹn ngào câm nín. Chẳng còn gì để nói, ngoài mấy câu an ủi nhau thật lạnh lùng, đầy xót xa. Thảo đã lặng lẽ thả bộ ra đầu đường Thống Nhất để một lần cuối nhìn được rõ ràng dinh Độc Lập của những giây phút còn vươn mình bên bóng cờ vàng tung bay, trước khi cái tòa nhà tiêu biểu cho miền Nam tự do này đổi chủ. Trời đã gần trưa mà bầu trời vẫn xám đen, và bỗng đâu những hạt mưa âm thầm bắt đầu rơi xuống. Đâu đó người ta bảo trời đất đang khóc thương cho nhân dân miền Nam. Người ta cũng bắt đầu
thấy nhau rưng rưng với lưng tròng nước mắt, để rồi vội quay đi gạt lệ kẻo lại khơi thêm cho nhau sầu đau. Còn chi nữa mà khóc than. Tiếc thương cũng đã muộn rồi!
Thảo lầm lũi quay về chủng viện. Mưa đã thấm vào lòng chàng như muốn làm lắng xuống những xáo trộn ở tâm tư. Bất giác chàng mơ hồ nhớ lại nhà thơ Trần Dần của phong trào Trăm-hoa-đua-nở ngày nào ở miền Bắc, đã một lần bước đi mà " không thấy phố, chằng thấy nhà, nhưng chỉ thấy mưa sa trên nền cờ đỏ!".
Một số đã tìm đường rời Việt Nam. Đa số lục tục lo hồi hương mong có lại được căn nhà với mảnh vườn cũ. Người ta nôn nóng đi tìm thân nhân, bè bạn. Ai nấy cố trấn tĩnh mà định hướng cho công việc làm ăn trong cuộc biến đổi mới. Ngay cả một số đồng nghiệp của Thảo cũng phải nói đến chuyện đổi thay trong công tác hành đạo. Người ta đợi chờ những thuyên chuyển chức vụ, những sắp xếp mới về cơ cấu tổ chức Nhiều họ đạo nhỏ được chính thức thành lập. Đó đây xôn xao, giao động. Ai cũng bảo nhau phải tranh thủ thời gian cho lẹ, cho khéo, để ít ra còn một chỗ đứng khả dĩ sống được trong cuộc vận hội mới, trước khi quá muộn.
Thảo cũng bị đẩy vào cảnh huống đó, nhưng chàng đã không có cơ hội để làm được chuyện gì. Cát bụi, nắng mưa, chuyển dịch, mất ngủ và rồi nỗi phiền muộn đã quật ngã chàng ngay ngày thứ hai của biến cố đổi thay mầu cờ đất nước. Chàng đã miên man lên cơn sốt, sốt nặng tưởng chừng không hy vọng qua khỏi, để rồi người ta phải khẩn cấp đưa vào bệnh viện Saint Paul này.
Hơn mười ngày vật lộn với tử thần đã dành lại cho chàng sự sống, để hôm nay ngồi đây chàng đang cố gắng định thần lại cho một bắt đầu mới của một chặng đường khác trên đời. Thôi, mặc cho muôn vạn đổi thay của ngoại vật. Mình đã can đảm giáp mặt với cả sự chết, lẽ nào giờ đây lại phải sợ hãi khi đối diện với những khó chịu của cuộc sống. Dẫu biết chẳng dễ gì quên được những hình ảnh kinh hoàng còn đậm nét trong tâm tư, nhưng nhớ lại làm chi cho thêm phiền muộn. Vả lại mình vẫn kể là người có ngôi sao may hên nào đó chiếu mạng. Bao giờ đền ơn cho đủ sự ân cần của ban điều hành nhà thương, sự tận tình của các bác sĩ, y tá, đặc biệt với sự chăm sóc của Nga, rồi cộng thêm sự ưu ái của cha sở Thiên Việt. Bỗng dưng, Thảo giật mình nghe tiếng Nga từ sau lưng:
-Chà, hôm nay cha... hạ sơn thưởng nguyệt rồi. Tìm cha trong phòng không thấy, con cứ ngỡ cha táo bạo đi dạo phố rồi cơ chứ! Mời cha về phòng, bác sĩ chờ cha..
Thảo ấp úng:
-Xin lỗi cô Nga, tôi đi quanh quẩn dạo mát một chút. Mong cô không phiền hà.
Nga nhìn Thảo:
-Con chỉ sợ cha đổi ý .
Thảo bỡ ngỡ:
-Đổi ý gì, cô Nga?
- Nhỡ cha tìm cách về lại Đà Lạt.
Thảo cười:
-Tôi sẽ làm đơn về lại, nếu cô là trưởng ty công an trên đó. Bây giờ thì chưa dám nghĩ tới.
-Nhất định cha không chê Thiên Việt?
Thảo đưa tay như phân phua:
- Khổ quá, tôi làm sao mà mất hết tín nhiệm với cô thẽ này! Thôi đi vào kẻo bác sĩ đợi lâu.
Nga nói vội:
-Chút nữa con lại phải đi công tác tại sở y tẽ cùng với một số nhân viên ở đây, rồi ngày mai đi học tập chính trị trên trụ sở quận. Con mong sẽ được cùng cha sở lên gặp cha tối mai. Cha ráng nghỉ và ngủ cho nhiều. Con đã mua thêm trái cây cho cha trưa nay. Đừng quên lời cha hứa sẽ ăn "giả bữa” thật tình đấy.
Bác sĩ chỉ phải khám sức khỏe Thảo qua loa, vì dấu hiệu chàng bình phục đã quá hiển nhiên. Nga cũng vội vã đi, để lại một không gian vắng lặng khác thường. Một buổi chiều, rồi cả một ngày dài nữa đang chờ đợi. Biết làm gì cho thời gian qua mau? Ngay cả cơn mưa chiều nay cũng chậm đến! Thật trớ trêu, giữa lúc ai ai cũng vội vàng thì mình lại muốn rút ngắn thời gian. Phải chi vẫn còn cái tâm hồn phấn khởi hào hứng trước đây, chàng nhất định sẽ nhờ tìm cho ra một bộ truyện Kim Dung để, như một thời ở Học Viện đã chuyền tay nhau tập "Tiếu Ngạo Giang Hồ", được theo vết chân một Lệnh Hồ Xung nào đó mà tung hoành ngang dọc, cho đỡ phải ngồi nhìn trời đất viển vông, và cũng để khỏi nghĩ ngợi xa gần.
Đêm hôm đó, một ý nghĩ đã đến với chàng: nhất định sáng hôm sau sẽ qua chủng viện lấy chiếc xe gắn máy Honda, đem từ Đà Lạt về còn đang gửi bên đó, để đi xem một vòng SàiGòn, rồi sau đó, như một giải pháp duy nhất để trang trải tiền nhà thương, chàng định bụng sẽ đem xe ra chợ trời bán vào ban chiều. Thế là Thảo hí hửng ru mình vào giấc ngủ với hình ảnh một cuộc ngoạn cảnh kỳ thú đầy ý nghĩa với chiếc xe mình còn làm chủ, dẫu đây sẽ là lần cuối cùng.
Quả như chàng mong ước, ma sơ giám đốc đã dễ dàng chấp thuận lời chàng yêu cầu, sau khi Thảo viện lẽ có chuyện rất cần ở bên chủng viện và hùng hồn chứng minh sức khỏe mình đã thật khả quan. Thế là, một chiếc taxi đã lần đầu tiên đưa chàng ra khỏi nhà thương sau gần hai tuần lễ tù túng. Lòng Thảo như mở hội. Một cảm giác yêu đời lâng lâng theo làn gió mát ban mai.
Rất may, ngày gửi xe trong gara chủng viện, chàng đã cẩn thận đổ đầy bình xăng; nếu không bây giờ kiếm đâu ra cho đủ giữa lúc nhiên liệu đang đắt như vàng. Thảo thong thả cho rồ máy xe rồi quay về hướng nhà thờ Đức Bà. Chàng xúc động khi thấy bóng hai cây tháp thánh đường cao vút vẫn ngạo nghễ vươn lên trời xanh. Tượng Nữ Vương Hòa Binh vẫn còn đó. Hàng cây cổ thụ vẫn ôm trọn cả vùng công trường rộng lớn oai nghiêm. Tất cả vẫn còn nguyên vẹn mà sao lúc này chỉ là đứng đó như những tĩnh vật u buồn, như nhớ thương, như hoài niệm những ngày huy hoàng nào đã chìm theo dĩ vãng. Sau mấy phút thinh lặng thầm đọc lời Kinh Tạ Ơn, chàng lại men theo đường Tự Do, nay đã là đường Đồng khởi, để hướng về trụ sở Quốc Hội cũ. Góc đường nào cũng thấy công an canh gác kỹ lưỡng. Bức tượng Người Lính Chiến hùng dũng ngày nào nay đã bị giật đổ. Người ta đã gắn ba chữ "Nhà Văn Hóa” trên khung cửa vòm cung của tòa nhà Lập Pháp xưa. Chẳng biết bên trong đang và sẽ có những gì cho nên văn hóa mới, nhưng màu đỏ chói chang của hàng cờ treo dày đặc phía trước cũng đã gợi lên cái sắc thái phảng phất máu lửa đâu đây.
Rồi theo đường Nguyễn Huệ, Thảo lần ra bến Bạch Đằng. Nước sông đục ngầu như đứng yên giữa 2 bên bờ cũng vắng lặng hoang vu. Còn đâu những buổi trên bến dưới thuyền sầm uất. Còn đâu những đoàn tàu buôn hay những chiến hạm khổng lồ vào ra bến cảng; ngày mất nước hầu hết đã nhổ neo ra đi không hẹn ngày về. Chẳng biết lúc này bến đang nhớ tàu hay tàu đang thương bến!
Buồn bã, Thảo quay về phía chợ cũ, đại lộ Lê Lợi, rồi bùng binh chợ Bến Thành. Ngoài bến tàu tẻ lạnh bao nhiêu thì ở đây lại càng tấp nập bấy nhiêu với cảnh bán buôn la liệt khắp vỉa hè. Có điều những người bán không còn là những tay buôn chuyên nghiệp, mà những kẻ mua đa số chỉ là cán bộ từ miền Bắc hay những người dư tiền muốn tìm giữ lại những món đồ họ sợ rồi mai chẳng còn tìm đâu cho ra. Chợ trời vốn đã từng là khung cảnh quen thuộc của dân chúng, mà nhất là ở những hoàn cảnh thời thế đổi thay như lúc này. Có những thứ vơ được từ những công sở bỏ ngỏ vào ngày hỗn loạn 30 tháng 4. Có những món đồ còn mới tinh, có lẽ bị các tay thủ kho cuỗm lẹ trong lúc còn vô chủ. Còn lại là vật dụng thập cẩm từ tư gia mà, hoặc vì túng nghèo, hoặc vì sợ nay mai bị tố cáo là giàu có tư bản, người ta đã đua nhau đem ra bày bán: giường chiếu, tủ lạnh, Tivi, áo quần, giày dép cùng hàng ngàn thứ vặt vãnh khác. Và rồi, cũng như Thảo hôm nay, nhiều người đã đành dắt những con ngựa... sắt yêu quý ra chợ trời để trao vào tay chủ mới, mong có chút tiền chi dùng, sinh sống trong thời buổi gạo châu củi quẽ này. Chàng đã thoáng thấy khu vực bán xe bên một góc phố Hàm Nghi. Có lẽ một tay mối lái nào đang chờ chàng ở đó! Thảo thoáng thấy hồi hộp, băn khoăn tưởng chừng như muốn hủy bỏ cái dự định bán xe trong đầu chàng. Bỗng Thảo giật mình khi nghe tiếng gọi từ bên kia đường:
-Thảo, Thảo, cha Thảo... Vừa quay lại, chàng nhận ngay ra là cha Đức, người bạn cùng lớp với mình. Sau cái bắt tay vồn vã, Thảo lên tiếng, giọng đùa giỡn:
-Gớm, mừng Cách Mạng về có khác! Cậu hôm nay kẻng dữ! Suýt nữa mình nhận không ra.
Cha Đức cười nhẹ:
-Có gì đâu, còn vài bộ xi-vin coi được đem ra mặc nốt, biết đâu rồi nay mai chẳng còn được mặc. Vả lại, áo đen cổ trắng ra đường lúc này chỉ tổ gây phiền phức cho mọi người. Cậu có biết không, cha cố kỳ này đều bảo nhau đi mua thường phục. Chẳng những để mặc ra đường ban ngày, mà ban đêm nhiều đấng còn phải nằm ngủ với 2 bộ đồ một lúc, phòng hờ khi Công An bất ngờ đến mời đi, thì còn có cái mà... thay trong khám đường.
Thảo trừng mắt:
-Đến cơ đồ ấy lận?
-Giỡn cậu làm gì! Bọn mình lúc này được liệt vào thành phần bất hảo rồi.
Yên lặng một hồi, Thảo hỏi tiếp bạn:
-Cậu vẫn ở xứ Mai Khôi Vĩnh Hội chứ? Sao bỏ đi bát phố ngon lành thế này?
Đức nheo mắt:
- Bát với đĩa gì. Ông bác mình mới xin được chân công nhân xí nghiệp mãi ở miệt Phú Nhuận. Tuổi cao rồi nên ổng sợ cứ lọc cọc chiếc xe đạp thì không biết sẽ lăn đùng ra giữa phố lúc nào. Bởi dành được chút tiền còm trước đây, ổng nhờ minh kiếm mua giùm một chiếc xe gắn máy. Nghe nói ở đây có thể mua được với giá rẻ, nên mình thử ra coi.
Thảo hơi nhột khi Đức nói "giá rẻ", nhưng chàng cố thản nhiên:
-Xí nghiệp nhà nước thế nào mà quan trọng dữ?
-Mình cũng chẳng rõ. Có điều nghe thiên hạ đồn rằng bây giờ chỉ những ai có nghề nghiệp, nhất là làm việc cho nhà nước, mới được ở lại thành phó. Kỳ dư là sẽ bị đuổi đi vùng kinh tế mới hết. Có chiếc xe gắn máy mà cứu vãn được cả gia đình, đâu có chi quá đáng, cậu thấy không?
-Ờ, minh nghe thủng tai rồi. Thảo nào, bữa nọ nghe có kẻ kháo láo sẽ phải đi kinh tế mới. Thấy họ lo sợ ra mặt.
Đức nhìn thẳng vào Thảo:
-Còn cậu thì sao? Giờ này mà vẫn chưa về lại Đà Lạt! Hay là đang quanh quẩn kiếm đường ra khơi cho... biết mặt trùng dương đây? À mà tại sao cậu kỳ này vóc hạc mình mai thế kia. Chẳng lẽ tởn " Bác" và "Đảng" thế sao?
Thảo chậm rãi:
- Làm gì có thời giờ mà tởn. Mình vật nhau với tử thần trong Saint Paul cả gần hai tuần nay, xém đi chầu ông bà ông vải luôn. Hôm nay mới đỡ để thò ra ngó ánh mặt trời lần đầu. Chắc phải vài hôm nữa mới được chính thức xuất viện.
Đức hết nghiêm nghị rồi lại hớn hở:
-Rồi về lại xứ Anh Đào ngắm hồ Than Thở?
-Từ nay hết thở hết than rồi.
Đức tròn mắt:
-Cậu định làm gì?
-Chẳng hề định gì cả. Có điều, người ta đã cấm mình về sau những ngày mình vắng mặt không nêu được lý do. Rồi hai ngày trước đây, ông cha sở Thiên Việt có ngỏ ý mời mình về giúp ngài.
-Thiệt hả? Cậu chắc có số đỏ lắm. Mình vẫn nghe cố Trực có bao giờ phải đi mời ai đâu. Rồi cậu sẽ thấy. Thôi chia vui với cậu.
Thảo thấy lòng lại dâng một niềm vui nhè nhẹ. Cứ cho là mình có cái vận hên đi, nhưng nhất định là phải qua một bàn tay sắp đặt. Chàng đã biết rõ người ấy là ai.
Thảo vội nói lảng:
-Chắc tại kỳ này, với chế độ mới, cố sở nhà ta e ngại rồi ra thiếu người phụ giúp, mà các chủng viện thì hầu như đóng cửa cả rồi. Dẫu sao mình vẫn là kẻ may mắn.
-Thôi để chuyện đó hạ hồi phân giải. Bây giờ xin cho biết ông bồ lang thang ra đây làm gì? Nhà thương hết thuốc bổ nên phải ráng bò ra chợ trời kiếm phải không?
Thảo kéo Đức vào đứng sát dưới bóng mát tòa cao ốc của ngân hàng Nam Việt cũ, chàng nghiêm trọng nhìn Đức:
-Đức ạ, thú thật với cậu, tớ đem xe ra đây bán lấy tiền trả nhà thương. Sinh mạng mình còn lại thì chiếc xe ra đi cũng chả tiếc làm chi. Vả nữa, lúc này xăng nhớt đắt đỏ quá. Cậu có nghĩ rằng đây là dịp tốt mình được làm quen với ông bác cậu không?
Đức xót xa:
-Công việc nghe thì thuận tiện cho cả hai bên đấy, nhưng xem ra cay đắng quá! Rồi mai đây cậu lấy gì đi lại! mà thân nhân bà con chẳng ai giúp được chi sao? Nếu cậu cần, chắc tớ có thể tiếp tay xoay giùm cậu phần nào.
-Cảm ơn Đức nhiều. Mình đã nghĩ kỹ. Lúc này chiếc xe đạp là đủ rồi. Anh em bà con giờ đây ai nấy đều xơ xác sau cơn chạy loạn. Vả lại tiền thuốc thang khá nặng nên mình cũng chẳng muốn làm phiền ai. Nếu ông bác không ưng, mình đành bán xe ở đây chiều nay.
Đức lộ vẻ ái ngại ra mặt, nhưng vì chàng và Thảo đã hiểu nhau từ bao năm nay qua những tháng ngày miệt mài đèn sách, chàng thành khẩn:
-Thôi được, Thảo ạ âu cũng là chẳng hẹn mà hò. Chuyện mua bán xe thì mình nghĩ đâu rồi sẽ vào đó. Bây giờ hãy mừng vì chúng mình còn được tái ngộ hôm nay. Mình muốn mời cậu về Vĩnh Hội ăn trưa và nghỉ ngơi đã. Cậu vừa đau không nên giãi nắng nhiều.
Thảo nghe lời, theo Đức rồ máy hướng về phiá cầu Ông Lãnh. Hai người chạy xe bên nhau, truyện trò ra chiều rất tương đắc. Nhà thờ Mai Khôi tuy ở bên kia sông, nhưng không xa vùng Bến Thành bao nhiêu, nên chẳng mấy chốc đã tới nơi.
Đức vừa mở cửa vừa huyên thuyên:
-Trưa nay cố sở mắc đi họp. Bây giờ chúng mình làm chủ... tập thể nhà này.
Thảo nói giỡn theo:
-Thế ai "lãnh đạo" và ai "quản lý” đây?
Cả hai cùng cười, một nụ cười của chia xẻ và khích lệ, gói ghém đằng sau một tâm trạng đau xót bi ai. Đức cũng như Thảo đều biết những ngày trước mặt thật là nặng nè, đầy thách đố; chẳng cần phải nói ra, cả hai đều in sâu trong tâm tư một cảm nghĩ ghê tởm cái lối tuyên truyền lừa bịp của những người cầm quyền vô thần độc đoán hiện nay. Với hai chàng, cái ý thức hệ duy vật vô sản sẽ chẳng bao giờ có thể được chấp nhận. Bàn tay sắt máu của đảng, của nhà nước được giăng ra mọi hang cùng ngõ hẻm, để ép buộc dân chúng bằng lòng với những biện chứng sai lạc, đã làm những kẻ có đầu óc như Thảo và Đức phải nhăn mặt. Làm sao chịu được cái cảnh nhóm người lãnh đạo ngồi trên cao tìm cách đày đọa, bắt dân chúng làm việc như trâu bò và rồi, đề cao lao động là vinh quang! Làm sao nói được đám dân yếu ớt đói nghèo kia làm chủ đất nước, trong khi họ không hề có cơ hội phát biểu những ý nghĩ trung thực nhất của lòng mình, và chẳng bao giờ được phép tự lựa chọn ra những người đại diện để lãnh đạo. Người ta đã dùng họng súng, dùng trại giam, dùng vùng kinh tế mới để bắt buộc dân lành phải gọi cảnh nô lệ tập thể bằng những danh từ hoa mỹ nhất! Đau xót hơn nữa cho những thành phần được gọi là lãnh đạo tinh thần như hai chàng, người ta đã treo cao những khẩu hiệu "Tự do Tôn giáo” trước cổng thánh đường, để rồi nửa đêm cho ném vào sân nhà xứ những khẩu súng han dỉ, những lá cờ của chế độ cũ hay những tờ truyền đơn giả mạo mà viện cớ hành hạ các vị chủ chăn.
Hỡi thần Công lý ơi! Có thật ngài là vị thần khôn ngoan sáng suốt không? Tại sao ngài cứ phải thi hành nhiệm vụ với cặp mắt được bịt kín? Không mở mắt, làm sao ngài nhìn được những bất công chập chùng đang xảy ra trên cõi trần gian này? Xin ngài hãy quá bộ đến thăm quê hương Việt Nam bất hạnh của chúng tôi hôm nay, nhưng đừng che mắt, mà hãy mở cho thật lớn. Ngài sẽ thấy, sẽ chứng kiến những điều có lẽ ngài chưa một lần dám nghĩ tới. Chẳng lẽ Trời Phật, Thánh Thần đều quên mãi dân tộc chúng tôi rồi sao?
Tiếng gõ dồn dập ngoài cửa phòng Đức làm cả hai giật mình. Bà bếp ló đầu vào hỏi lớn:
-Thưa cha, chắc cha đã biết trưa nay cha sở đi vắng? Cha muốn....
Đức ngắt lời:
-Cảm ơn bà, tôi cũng đã nghe nói ngài đi họp hôm nay. Mà bây giờ tôi có một cha bạn từ Đà Lạt ghé chơi, bà làm thêm đồ ăn đãi ngài nhé.
Thảo bỗng thấy mình như đang đóng vai trò của Đức. Cuộc sống hàng ngày ở nhà xứ rồi nay mai có lẽ cũng lại đến với chàng y như cuộc sống của Đức hôm nay, và chắc cũng chẳng khác chi những ngày trên miền cao nguyên cũ. Có chăng chỉ khác với cái khung cảnh Sài gòn ồn ào náo nhiệt hơn, nhất là trong bầu không khí mới của một giai đoạn đất nước mới. Chàng sẽ lại đối diện với những mớ chuyện lỉnh kỉnh hàng ngày, giải quyết những vấn đề của các sinh hoạt hội đoàn, đương đầu với những phút giây nhàm chán hay những tháng ngày căng thẳng bất ngờ. Nhưng sâu thẳm trong hồn, ẩn khuất trong tim chàng hơn cả vẫn là một nỗi lo sợ vu vơ, chàng chưa dám sánh ví với cái giây phút hãi hùng của Chúa Kitô trong cảnh vườn hấp hối trước khi bị bắt, hay cái tâm trạng căng thẳng trước buổi lên đường của đoàn quân Thần phong Nhật Bản ngày nào, nhưng đôi lúc Thảo không khỏi rùng mình khi biết chàng đang đi vào một cuộc giao tranh không chiến tuyến, không súng đạn, mà kẻ thù thì luôn là vô hình vô dạng. Chàng sẽ có sứ mạng phải đứng cho thật vững, thật kiên cố để rồi còn giữ vững ngàn vạn người khác. Chàng sẽ phải coi thường mũi tên hòn đạn, sẽ phải làm cho da thành đồng, mình thành sắt để xông pha, đề đương đầu với những tấn công khốc liệt nhất. Cả một chế độ, cả một guồng máy tinh vi đang ngày đêm tìm tòi mưu kế để triệt hạ, để dìm xuồng tận bùn đen cái lý tưởng chàng đang ôm ấp. Người ta đang nhồi vào đầu óc mọi tầng lớp cán bộ và dân chúng cái ý tưởng vô thần cho rằng tôn giáo trước sau chỉ là thuốc phiện mê hoặc dân gian. Chàng và Đức và bao nhiêu đồng nghiệp khác đang được người ta gọi là những tên bán thuốc phiện, những kẻ thù nguy hiểm của nhân dân. Chiếc áo dòng đen chỉ may bằng mấy vuông vải mà lúc này như nặng ngàn cân. Đức ơi! cậu có thấy những cảm nghĩ như mình không? Ước mong sao cậu đừng xao xuyến đến phải bỏ cuộc, đừng hoang mang để phải tháo lui. Cậu còn trẻ, mà tớ cũng chưa đủ già, đường chúng mình đi còn nhiều đoạn lên dốc xuồng đèo. Ở cái thời buổi sắt đá hôm nay, chúng mình chỉ có 2 điều lựa chọn. Cầu mong chúng mình sẽ học làm anh hùng, chứ không chịu đào ngũ.
Sau bữa ăn trưa thanh đạm và đơn giản, Đức xin kiếu có chút công tác cần phải đi và mời Thảo vô phòng mình nghỉ. Thực sự, Đức đã mượn cớ này để ghé nhà ông bác lấy tiền.
Ngồi một mình, Thảo mở coi lại tập Album Đức lưu giữ những hình ảnh của những năm còn ở học viện, những buổi cùng anh em lớp đi pic- nic ngoài rừng thông, những trận đấu giao hữu thể thao với sinh viên Đại học và Trường Võ Bị, những giờ thực tập giảng thuyết gây vô số trận cười, chàng như thấy mình bỗng thành một kẻ khác, vừa lỡ chân bước ra ngoài cái thế giới của niềm vui, của hy vọng. Dư âm chỉ còn vang lại bằng nuối tiếc với xót xa.
Khi Đức nhẹ lách cửa bước vào thì Thảo vẫn như mơ màng với khung trời hồn nhiên của thời đèn sách trên học viện. Đức vụt lên tiếng:
-Sao cậu không nằm nghỉ cho khỏe. Hơn bao giờ hết, lúc này sức khoẻ quả là vàng, xin "ngài” nhớ cho đấy.
Thảo cười:
-Mình cũng muốn ngủ, nhưng lỡ rồi vì thương mà cậu quên không đánh thức dậy thì chắc còn "mệt” hơn là cứ ngồi đây đợi cậu.
-Cậu sợ nhà thương phải rao tìm trên đài phát thanh?
-Ai nào rỗi hơi mà làm thế! chiều nay mình phải về sớm, lỡ cố Trực lên bất ngờ. Vả lại mình còn hẹn trao thơ hồi âm cho Đức cha Đà Lạt.
Đức xua tay:
-OK, nhưng giờ còn sớm chán.
Thảo thành khẩn:
-Hẹn sẽ gặp lại cậu một ngày rất gần. Bây giờ cậu để tớ về. Riêng chuyện xe cộ, cậu nghĩ sao?
-Đâu vào đấy cả rồi. Tớ đã sẵn 150 ngàn trao cho cậu đây.
Thảo bỡ ngỡ:
-Sao nhiều thẽ! Tớ chỉ phỏng hai phần ba số đó là được rồi. Tuy xe chạy vẫn khá, nhưng đâu còn là mới nữa. Vả lại lúc này xăng nhớt như cắt cổ, xe cộ đang hồi xuống giá.
- Cậu yên chí. Tớ e các" Thánh" cán bộ từ Bắc vô đua nhau mua sắm, giá lên vùn vụt cho mà coi.
Rồi Đức mở chiếc cặp da trao gói tiền cho Thảo, giọng tha thiết:
-Cậu cần tiền, cứ lấy về trang trải đi. Nhưng xe thì ít bữa nữa đem lại cho ông bác mình cũng được. Chưa gấp chi cho lắm.
Thảo lắc đầu nguầy nguậy, dáng điệu sửng sốt:
-Đâu được ông nội ơi! Ông không sợ lỡ rồi tôi nổi máu.... kim tiền lên mà đem bán xe lần nữa sao? Mà giỡn cho vui, chứ mình không cần xe như cậu nghĩ đâu. Nếu nay mai về "làm dâu” xứ mới, gần đã có... lô ca chân, xa thì xe buýt. Cần nữa thì hôm nào tậu xe đạp, có chi mà lo lắng!
Đức ngây người:
-Cậu xếp việc cứ như là nhà binh không bằng.
-Đôi khi cũng cần theo kiểu nhà binh. Và đây là quyết định: Mẫu giấy bán xe mình đã sẵn sàng. Chữ ký của mình cũng đã đầy đủ. Cậu trao cho ông bác và xin ổng cũng ký vô. Địa chỉ minh cứ tạm ghi nhà thờ Thiên Việt. Bữa nào rãnh rỗi, ông bác cứ mang ra ty lộ vận đóng thuế và xin thị thực nữa là xong. Bây giờ
nếu có thời giờ, cậu chở minh về lại Saint Paul. Bằng không mình kêu taxi cũng rất tiện.
Thế là Đức nghiễm nhiên thành bác tài xế xe ôm. Ngồi phía sau, Thảo mường tượng đang ôm mối chân tình cao đẹp của một người bạn đầy hiểu biết. Đức đã xuất hiện bất ngờ y như Nga đã gặp Thảo ngày nào. Cả hai đã vô hình chung sưởi ấm lại cuộc đời chàng giữa những phút giây hoang lạnh tăm tối nhất. Và lúc này chung quanh chàng, phố xá hàng cây và người qua lại bỗng như sống động khác thường. Một luồng sinh khí mới như đang len vào cái vũ trụ nhỏ bé bao quanh. Cuộc đời như lại đang mở rộng vòng tay mời đón thay vì xua đuổi chối từ.
Xe cộ thưa thớt, nên chẳng mấy chốc đã tới cổng bệnh viện. Trước khi chia tay, Thảo ghé sát Đức nói trong xúc động:
-Cậu về nhé. Mong rồi sẽ còn gặp nhau nhiều. Riêng mình hy vọng vào nhà thương lần này là lần đầu mà cũng là lần chót. Khi về Thiên Việt mình sẽ tin cho cậu ngay. Nhưng thế nào thì cũng phải lên gặp Đức Tổng Giám Mục đã. Nhớ nhau trong lời kinh nguyện nhé.
Lúc Đức đã khất dạng sau cổng bệnh viện, Thảo hối hả bước về phòng. Chàng ngỡ ngàng thấy bác tài Đà Lạt đã ngồi chờ từ lúc nào ở ngoài cửa. Thảo đưa tay bắt trong bối rối:
-Xin lỗi bác tài. Tội nghiệp bác phải chờ đợi lâu. Tôi cứ ngỡ bác sẽ ghé muộn như lần trước. Hôm nay tôi khỏe khá rồi và nhân có việc phải ra ngoài một lúc. Mời bác vô phòng ngồi nghỉ.
Người tài xế bình thản:
-Cha đừng lo cho con. Con mới đến được mươi phút. Thoạt đầu cứ tưởng cha rời bệnh viện rồi, nhưng hỏi ra mới biết cha chỉ ra ngoài chốc lát. Xin mừng cha khỏi bệnh. Không biết cha có cần đưa thư lên cho Đức Cha Đà Lạt nữa không?
-Có bác tài ạ. Thơ tôi đã viết sẵn sàng. Bác lại làm ơn giúp tôi một lần nữa nhé. À mà, xin nói chuyện bác nghe, chắc tôi được cử làm việc ở dưới này đấy bác ạ. Cảm tạ bác thật nhiều và xin chúc bác luôn may mắn. Hy vọng sẽ có dịp gặp lại nhau.
Rồi Thảo trao lá thư kèm theo hai tờ giãy bạc 500 làm quà. Bác tài xế nhất định từ chối không chịu nhận, viện lẽ Đức Cha đã trả bác đầy đủ rồi. Thảo nài mãi, bác mới chịu cầm một tờ bỏ vào túi trước khi ra đi.
Còn lại một minh, Thảo loay hoay cất gói tiền vào ngăn tủ và khóa lại, rồi lấy quần áo đi thay. Chàng nghe lòng khoan khoái như thể mình vừa giải quyết được món nợ sống chết với tử thần. Dự định đã êm xuôi, bế tắc đã khai thông. Chiếc xe, rồi gói tiền, đến rồi đi. Tất cả sẽ theo nhau tan biến vào phương trời vô
định. Sẽ là phù du như mạng sống con người. Vạn vật hiện hữu để đợi ngày tan biến, khác nào mình sinh ra rồi chỉ chờ ngày về với cõi chết. Nhưng, chẳng lẽ mọi sự chỉ có thế! Vũ trụ cũng như đời người chỉ mãi là phi lý thôi sao? Đâu có vậy được! Thảo nhất định phải là "cái chàng đang là", tại đây và lúc này, vì một ý
nghĩ nào đó ẩn khuất đàng sau. Nhất định phải có một giá trị tinh thần nằm sâu kín trong mọi hiện hữu. Dẫu tin vào định mệnh, nhưng dứt khoát là nó phải được an bài. Làm sao chấp nhận được mình đang ngồi đây, đang toan tính dựng xây lại cuộc sống phụng sự, đang hun đúc cho nồng nàn lại cái lý tưởng linh thiêng đã ôm ấp từ đầu đời, mà rồi tất cả chỉ đưa tới vô nghĩa, tới hư không ! Cái bến bờ thăm thẳm mình đang nhắm tới, dẫu có xa xôi mịt mù cách mấy, cũng phải có thật ở một góc trời nào đó. Chàng cố nhủ mình sẽ chẳng bao giờ để tàn lụi niềm tin trong đáy tâm tư, dẫu rằng tin luôn là một thách đố triền miên trong đời. Ngày thụ phong, niềm tin đã lên tới cao điểm trong hồn Thảo. Chàng đã từng chống lại Pascal trong cái lập luận so sánh cân nhắc của ông khi phải quyết định tin thay cho không tin. Chàng đã chỉ muốn đầu hàng đấng thượng đế bằng một cuộc hiến trao tuyệt đối, cả óc, cả tim, không viện lẽ hơn thiệt nhiều ít, chẳng đặt lên bàn cân trăm năm kiếp người với cuộc vĩnh cửu trường sinh để tính toán lời lỗ cho đời mình.
Tự nhiên Thảo thấy mình bình thản và vững dạ hơn. Bất giác, chàng mong được đối diện ngay với mọi biến cố để có dịp thực hiện niềm tự tin đang vươn lên dào dạt. Mọi ý nghĩ lo sợ hoang mang bỗng như tan biến, tựa hồ đời chàng chưa một lần gặp thất bại khó khăn. Ngồi đây, vẫn còn là một bệnh nhân chưa biết ngày xuất viện, Thảo đã như nôn nóng muốn nhẩy ngay vào cuộc sinh hoạt bên ngoài, không cần biết nó đang và rồi sẽ ra sao. Bữa cơm chiều hãy đến mau và mặt trời hãy rảo bước về phía trời Tây cho lẹ đi, để đem lại cho chàng cha sở Thiên Việt! Chàng muốn biết thật mau ngày sẽ về đó làm việc. Người ta cứ khoác cho chàng trăm thứ nhiệm vụ. Hãy đòi hỏi. Hãy phàn nàn. Hãy cho chàng cơ hội bận rộn. Không cần lo lắng những phản đối vì thất bại. Chẳng phải bận tâm với những phút giây nhàm chán hoặc xuống tinh thần. Chàng đã ở đây, như người lính đã sẵn sàng lâm trận, như bầy voi từ hậu trường gánh xiếc chỉ đợi người ta mở cửa để ra sân diễn trò. Đừng bắt chàng đợi, đừng để chàng chờ nữa. Sợ rằng cái hứng khởi sẽ lụi tàn, cái năng lực sẽ mòn mỏi.
26.4.08
YÊU MÀU ÁO ĐEN (02), (03)
Autor: conggiao o 15:42
Etykiety: 15. THƯ GIÃN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 komentarze:
Đăng nhận xét