CLICK HERE FOR THOUSANDS OF FREE BLOGGER TEMPLATES »
“Hỡi anh em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết ; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng thương mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta" (Những lời sau cùng của Chân Phước Anrê Phú Yên)

24.4.08

YÊU MÀU ÁO ĐEN (01)

ĐƯỜNG PHƯỢNG BAY

MỘT

Chiếc xe lam cũ kỹ cố lết cho hết con dốc bờ hồ để ì ạch tiến đến cổng học viện Giáo Hoàng Piô X và ngừng cho khách xuống, trước khi lăn bánh tiếp con đường dẫn lên Đại học và ấp Đa Thiện. Hai vị sư nữ thong thả bước xuồng, dáng điệu như ngượng ngùng e thẹn. Một làn gió mạnh thổi tới khiến cả hai vội đưa tay giữ chặt chiếc lúp đội sơ sài trên đầu, rồi nép bên nhau bước vào trong cổng. Màu áo xám nhạt tuy không nổi cho lắm giữa hàng cờ xí đủ màu, nhưng cả hai đều tưởng chừng như đang khởi đầu một cuộc diễn hành và thầm nghĩ hàng trăm cặp mắt sắp sửa đổ dồn về mình. Quan khách hôm nay dĩ nhiên sẽ có nhiều thành phần nữ giới, nhưng chắc hẳn họ sẽ là những nữ tu Phật giáo duy nhất đến dự lễ khánh thành một học viện Thiên Chúa giáo tại thị xã này.

Đà Lạt đã vào thu, nhưng trời sáng nay thật nhiều nắng. Mùa thu cao nguyên không lạnh lắm và gió vẫn còn nhẹ, như mơn trớn cây cỏ lá hoa. Thành phố xem chừng lấy lại bầu sinh khí nhộn nhịp với các sinh viên và học sinh trở lại trường sau ba tháng nghỉ hè. Đà Lạt là chốn du lịch với muôn nét duyên dáng xinh tươi, nhưng Đà Lạt cũng là nơi quy tụ biết bao thành phần trẻ trung từ khắp nơi đổ về, Là đây khu vườn văn hoá đầy hứa hẹn, được lồng khung với vạn sắc hoa, quyến rũ và thơ mộng.
Thoáng ngước nhìn lên toà nhà bốn tầng hùng vĩ, rồi ngó quanh thấy trùng điệp đủ loại xe cộ của khách đậu kín trước và hai bên cơ sở, sư bà Đàm Thi bất giác lên tiếng :

- Diệu Thanh à, biết thế mình xin kiếu không tới có lẽ tốt hơn.

Hơi bỡ ngỡ, cô nữ tu trẻ mở to đôi mắt đáp nhẹ :

- Sao vậy sư bà ? Mình nên có mặt để tỏ thiện chí và tình liên đới chứ !

- Đã đành mình nên đi. Càng khác biệt tôn giáo càng cần. Nhưng chẳng biết tại sao thấy mình lạc lõng xa lạ quá.

Diệu Thanh co người lại theo cơn gió, nhưng vẫn cố rảo bước như để gây phấn chấn cho sư bà. Trong đầu nàng cũng bất ngờ so sánh ngôi chùa quá nhỏ bé khiêm tốn của mình nơi ấp Trại Hầm xa tít miệt ngoại ô với toà nhà học viện đồ sộ lại toạ lạc bên bờ hồ Xuân Hương ngay kế trung tâm thành phố này. Nàng cũng hiểu và muốn biểu đồng tình với bề trên, nhưng nhất định giữ thái độ lạc quan :

- Đi cho biết đó biết đây, sư bà ạ. Phần gì mình cũng có cơ hội học hỏi thêm. Vả lại…

Sư bà bỗng ngắt lời Diệu Thanh, đưa tay chỉ về phía trước :

- Kìa có mấy ông thày đang tiến ra đón mình thì phải. Xem chừng mình đến hơi muộn. Có thể nghi lễ đã bắt đầ rồi.

Quả thế, mấy chủng sinh đon đả chào đón rồi như hối thúc hai người vào ngay hội trường.

Hàng ghế quan khách cơ hồ đã gần kín. Bầu khí trang nghiêm trịnh trọng bao trùm cả căn phòng tràn ngập ánh đèn. Dĩ nhiên hàng trăm cặp mắt hướng về hai vị khách quý khi ban tổ chức giới thiệu danh tính. Lại một tràng pháo tay vang lên. Hội trường tưng bừng chờ phút khai mạc.

Với diễn văn nối tiếp cùng những lời chúc mừng nồng nhiệt từ nhiều đại diện khác nhau, phần văn nghệ phụ diễn cũng được liên tục xen kẽ. Và rồi buổi lễ ra mắt Học viện đã kết thúc với chương trình tiệc trà self-service tại nhà ăn dưới hầm cánh trái.

Thực ra, các giới chức và hàng giáo phẩm bên đạo đã tới đây để tổ chức lễ khánh thành và cắt băng khai mạc cơ sở mới từ chiều hôm trước, cùng với đủ nghi thức làm phép nhà cũng như lễ tuyên thệ của ban giám đốc và giáo sư. Hôm nay chỉ nhằm giới thiệu cho các giới chức và quan khách phần đời. Dĩ nhiên các tổ chức tôn giáo bạn cũng được mời đầy đủ. Mấy vị Thượng toạ và Đại đức từ các chùa Linh Sơn, Linh Quang, Linh Phương và Viên Quang hầu như cũng hiện hiện diện cả trong buổi lễ. Tuy nhiên một vài vị đã ra về trước khi xuống nhà ăn, chẳng biết vì bận công việc hay ngần ngại phải dùng thực đơn không thích hợp, dẫu cho đã có người báo riêng rằng ban tổ chức cũng chuẩn bị sẵn cả đồ chay.

Diệu Thanh còn đang rụt rè đứng nép sau sư bà tại một góc phòng ăn thì đột nhiên một chủng sinh tiến đến lịch sự chào mời :

- Xin chào sư bà và ni cô. Tôi được đặc cử để tiếp đãi hầu chuyện hai vị. Thật hân hạn được hai vị hiện diện hôm nay để khích lệ chúng tôi trên đường tu học. Xin cả hai cứ tự nhiên coi đây như ở nhà. Nào, xin bắt đầu lấy và dùng chút đồ ăn.

Như bớt được vẻ xa lạ, hai vị khách đã cùng với người chủng sinh tiến ra dùng đĩa lấy phần ăn trưa.

Sư bà lên tiếng :

- Cảm ơn thày. Lần đầu chúng tôi được tới đây. Thật học viện lớn và đẹp quá. Chắc có nhiều thày… ở trường này lắm ?

- Hiện nay trường có tám lớp với khoảng hai trăm tu sinh. Ngôi trường cũ bên ấp Hà Đông quá chật hẹp. May mắn được Toà thánh và nhiều ân nhân giúp đỡ nên mới được thế này.

Diệu Thanh ra vẻ mạnh dạn :

- Xin thày cho biết quý danh được không ạ ?

- Thưa tôi là Hoàng, vừa lên năm thứ ba thần học. Tức là đã học ở đây sáu năm cả thảy rồi.

Ni cô như được đà hỏi thêm :

- Chắc thày học ở đây sướng lắm nhỉ. À mà thày… thích đi tu từ bao giờ ?

Hoàng bỗng hơi giật mình vì người ni cô trẻ cứ nhìn chàng đăm đăm không rời, mà chưa gì đã muốn thắc mắc về đời tư mình như thề, Nhưng chàng cũng cố làm ra vẻ tự nhiên :

- Thấy nhà cao cửa rộng ai cũng bảo chúng tôi ở đây là sung sướng nhất đời. Ít người thực sự hiểu cho rằng chúng tôi phải trải qua một chương trình học vấn rất cực nhọc gồm tám năm trời đằng đẵng.

Diệu Thanh tròn xoe đôi mắt :

- Sao phải học lâu thế, thưa thày ?

Hoàng nhẹ giọng :

- Theo truyền thống thì sau khi xong ban tú tài với bảy năm thuộc tiểu chủng viện, lên đây chúng tôi chỉ học thêm sáu năm nữa thôi. Tuy nhiên, bởi học viện này được thành lập theo tiêu chuẩn mới của các đại chủng viện quốc tế, nên hai năm triết đầu tiên được kéo ra thành bốn năm. Cũng may mà giữa hai chương trình triết và thần học, chúng tôi có một năm đi thử.

Diệu Thanh lại tò mò :

- Nghĩa là chính thày đã qua năm thử đó ? Thày được thử ở đâu ? Có… khó không ?

Hoàng mỉm cười :

- Vâng, tôi được gửi tới một xứ đạo ở Bảo Lộc. Đã gọi là thử thì phải khó một tí chứ ! Mà phần lớn khó hay không là ở lòng mình, dẫu đôi khi vị linh mục chính xứ nơi đó cũng vô tình hay hữu ý tạo nên một năm thử thách gay go cho mấy ông thày trẻ. Riêng phần tôi, năm đó có ý nghĩa thực tập nhiều hơn.

Sư bà nãy giờ đứng yên nghe mẩu đối thoại giữa hai người, thong thả đặt ly nước xuống bàn rổi nhìn Hoàng :

- Có lẽ bữa trưa đã tạm đủ cho chúng tôi. Bây giờ, nếu được, xin phép thày cho chúng tôi đi coi các phòng ốc của học viện. Được không ạ ?

Hoàng vồn vã :

- Dạ đó cũng thuộc trong chương trình hôm nay mà. Chắc nhiều quan khách đã khởi sự rồi. Vậy xin mời sư bà và ni cô nhé.

Ba người rời phòng ăn đi ngược qua cánh phải để thăm gian phòng triển lãm. Tiếng nói cười ồ ào tứ phía khiến cả ba thấy tự nhiên và thân mật hơn. Hai vị khách tỏ ra rất chăm chú quan sát những bức ảnh liên hệ tới các sinh hoat học vấn cũng như các nghi thức tôn giáo. Nhận thấy các giáo sư đều là những linh mục ngoại quốc, sư bà lên tịếng hỏi :

- Quý thày ở đây phải dùng ngoại ngữ trong lớp hay giáo sư giảng bằng tiếng Việt ?

Hoàng xoa hai tay :

- Thưa trong giai đoạn đầu buộc phải dùng ngoại ngữ. Hy vọng ít năm nữa sẽ có những giáo sư người Việt. Bây giờ Pháp ngữ là chính. Sách vở thì cũng còn nhiề bằng tiếng La Tinh. Riêng chương trình bổ túc văn chương Việt Nam và môn giảng thuyết thì dĩ nhiên nhà trường phải thuê giáo sư người Việt.

Bỗng Diệu Thanh chỉ vào một bức hình chụp lại một trận đấu banh và tươi cười nói :

- Ai ngờ quý thày cũng chơi thể thao dữ ghê ! Mà ai trông giống thày Hoàng quá à !

Hoàng cười :

- Dạ đúng đó. Đây là buổi đấu bóng chuyền giao hữu với các sinh viên trường võ bị Quốc gia. Tôi nhờ hơi cao nên được mời tham dự cho vui đó thôi…

Diệu Thanh chưa chịu :

- Gớm, thày chỉ giỏi khiêm tốn để giấu tài. Ai còn dám hỏi chuyện gì thêm nữa !

Hoàng phân bua :

- Ni cô dạy quá lời. Học hành mệt thì phải có chút thể thao giải trí chứ. Vả lại…

Sư bà ngắt lời, như muốn đổi câu chuyện :

- Các thày đông đảo thế này, chắc ngoài việc học hành ra, còn có nhiều sinh hoạt khác nữa, cả trong nhà cũng như bên ngoài phải không ?

Hoàng gật đầu :

- Vâng thì cũng có môt số sinh hoạt này nọ, Tổ chức nào xem ra cũng cần như thế. Vả lại học viện này có những liên hệ với nhiều chỗ khác, cả về đạo cũng như đời.

Diệu Thanh như muốn tra khảo thêm :

Xin hỏi thày Hoàng một điều : Có phải trong phần văn nghệ lúc nãy, bài vũ ‘Tiếng hát Mường Luông’ là do chính các thày đảm trách không nào ?

Hoàng đưa tay xoa cằm, ngần ngừ nói :

- Ni cô đã nhận định thì làm sao mà sai được. Màn vũ tân thời đã cầu viện bên Đại học. Còn lại màn múa Thượng mình phải ráng mà gánh vác chứ không thì coi sao nồi. Chỉ mong không bị quan khách chê bai…

Diệu Thanh tấn công :

- Gớm quý thày hoá trang khéo ơi là khéo ! Không để ý kỹ, chắc ai cũng tưởng là các cô bên ngoài.

Sư bà nhìn xéo Diệu Thanh rồi nói bâng quơ :

- Thị xã Đà Lạt chắc rất hãnh diện với sự góp mặt của học viện này. Bên Phật giáo chúng tôi cũng mừng lây và hy vọng sẽ cùng tiếp tay để phát triển văn hoá cũng như đời sống tôn giáo của dân tộc mình.

Trò chuyện lan man, ba người bước lên hai đợt cầu thang dẫn vào cửa nguyện đường lúc nào không hay. Sư bà vòng hai tay như muốn bái niệm cung kính. Còn Diệu Thanh thì cơ hồ rất mực chăm chú nhìn lên bức tượng Chúa tử nạn trên thập giá treo cao nổi bật phía sau bàn thờ. Rồi nàng đưa mắt một vòng ngắm mười bốn bức tranh khắc bằng gỗ diễn tả các chặng đường chịu thọ hình của Chúa. Bất giác đôi mắt Diệu Thanh như nhắm lại : nàng vừa thoáng thấy một cảm giác diệu kỳ ngây ngất trong đầu. Mãi tới lúc bước qua cửa chính của thư viện nằm phía mặt tiền, Diệu Thanh mới như bừng tỉnh để nghe Hoàng cắt nghĩa :

- Bởi mong học viện sẽ tồn tại lâu dài, nên ban giám đốc lưu ý đến cái thư viện này đặc biệt lắm. Nghe đâu tiền quyên góp được đã phải chi cho việc mua sách nhiều hơn cả việc mua thực phẩm và dụng cụ trong nhà.

Diệu Thanh như bỡ ngỡ :

- Sao không thấy sách tiếng Việt nào cả vậy thày ?

Hoàng chỉ tay lên ngang đầu :

- Ở lầu hai cơ ni cô ạ. Chút nữa ni cô sẽ thấy; mà ngay truyện Tàu, tiểu thuyết cũng có đủ cả cho mà coi.

Diệu Thanh tròn mắt :

- Các thày cũng được đọc tiều thuyết sao ? Mà các môn học dồn dập như thế còn giờ đâu mà…

Sư bà mỉm cười :

- Thì thư viện nào chả muốn có đủ mọi thứ sách. Nhưng chắc ở đây chỉ những khi nghiên cứu riêng mới cần đọc. Ừ mà… Diệu Thanh xem chừng ưa hỏi lẩn thẩn quá đó nghe.

Lúc cả ba ra khỏi thư viện để leo lên sân thượng trên lầu bốn, ánh nắng có phần dịu hơn và gió lâu lâu mới thổi tới một cơn từ phía hồ Xuân Hương. Xem chừng quan khách ai cũng muốn lên chỗ cao nhất của toà nhà này để ngắm cho rõ tứ phía. Tiếng nói cười như càng lớn hơn để đua với tiểng gió. Xa xa, rặng núi xanh biếc với ngọn Lâm Viên hùng vĩ hiện rõ mồn một. Ngôi tháp chuông Viện Đại học cũng vươn lên ở góc tay mặt. Chùa Linh Sơn in đậm nét với hàng mái đỏ uốn cong nằm bên cánh trái. Ở giữa và gần kề nhất là dãy nhà hình chữ U của trường nữ trung học Bùi thị Xuân.

Diệu Thanh lại bất ngờ lên tiếng :

- Phong cảnh hữu tình thế này chắc ai cũng ham được lên đây… tu lắm !

Rồi hóm hỉnh nhìn Hoàng, nàng tiếp :

- À mà gần ngôi trường nữ thế kia có… sao không ? Sợ các cô nữ sinh bên đó dám chọc phá các thày lắm à !

Hoàng cười :

- Lâu lâu cũng có chút đỉnh. Nhưng chắc trời định thế, biết đâu để thực hiện câu ‘lửa thử vàng’ !

Sư bà xoay người về hướng trước rồi thong thả đưa tay chỉ về phía ấp Trại Hầm xa khuất sau rặng thông dài :

- Xin giới thiệu chùa Linh Phong của bé nhỏ chúng tôi nằm tít mãi vùng ngoại ô kia kìa. Bữa nào rãnh rỗi và nếu thày không chê, xin mời thày quá bộ ghé thăm. Trường hợp muốn đi xe đò, xin cứ ra khu phố Hoà Bình bắt xe Trại Mát–Trại Hầm rất thuận tiện.

Hoàng tỏ ra sung sướng :

- Vâng thế nào cũng có dịp được hân hạnh ghé thăm quý tu viện. Chỉ e đến vào những giờ giấc gây phiền phức cho chùa.

Diệu Thanh nhanh nhảu :

- Nhất định chả khó bằng ghé thăm quý thày ở đây. Sinh hoạt chùa sư nữ đơn giản lắm, thày chớ ngại. Mong thày kiếm được ngày rảnh sớm đó.

Hoàng tỏ vẻ ngần ngừ, ra chiều muôn hỏi thêm chi tiết, thì Diệu Thanh đã khua tay :

- Thày cứ bấm chuông, vào chỗ nhà khách rồi nói xin gặp sư bà. Còn không cứ hỏi ni cô Diệu Thanh.

Hoàng chớp lẹ đôi mắt rồi khẽ gật đầu, như dấu hiệu của một chấp nhận, một đoan hứa.

Sư bà nhìn Diệu Thanh rồi ngó Hoàng :

- Thôi mình xin kiếu ra về đi. Cảm ơn thày đã mất nhiều công sức đưa chúng tôi đi thăm nhà. Xin cầu chúc thày luôn được khang an và mau đạt được ý nguyện.

Rồi cả ba thong thả bước xuống các đợt cầu thang để ra phía tiền đường, sau khi Hoàng đã không quên chỉ cho hai vị nữ tu khu nhà riêng dành cho quý vị giáo sư cũng như các thượng khách. Để chiểu ý Diệu Thanh, chàng cũng dẫn cả hai vào xem một căn phòng mẫu của các chủng sinh, cũng như nói thêm chi tiết về hệ thống tổ chức và sinh hoạt hàng ngày của học viện.

Lúc xuống tới cửa thì may mắn chuyến xe nhà dùng để tiễn khách ra phố chợ cũng sắp sửa chuyển bánh. Ba cánh tay còn đưa vẫy mãi cho tới khi xe khuất dạng sau cánh cổng lớn. Diệu Thanh cơ hồ còn ngần ngừ chưa muốn ra về.



->Đọc thêm...

0 komentarze: