Mùa Chay là mùa Giáo Hội kêu gọi những người tín hữu sau khi xa rời ân sủng Thiên Đàng, hãy đứng lên quay về hòa giải với người Cha nhân từ đang đứng chờ đợi bên khung cửa sổ của căn nhà ngày xưa. Nhưng trước khi bàn đến khía cạnh hòa giải giữa con người với Thiên Chúa, người viết muốn bàn đến một khía cạnh hòa giải khác, đó là hòa giải với chính mình. Khía cạnh hòa giải với mình này được trình bày trong hai câu chuyện nổi tiếng trong dòng lịch sử ơn cứu độ, một xuất phát từ bản Tin Mừng theo thánh Luca; một xuất hiện trong bản Tin Mừng theo thánh Gioan.
I. Hòa Giải
Thế nào là hòa giải với mình? Mà tại sao hòa giải với mình lại đi trước hòa giải với Thiên Chúa?
Đức Giêsu nói, “Yêu người như yêu chính mình”. Ông bà mình cũng nói, “Thương người như thể thương thân”. Thông thường chúng ta hiểu câu nói của Đức Giêsu và ông bà của mình một cách đơn giản là mình nên yêu mọi người như yêu thương chính mình. Nhưng cái rắc rối nằm ở chỗ nếu chúng ta không biết “thương thân”, “yêu chính mình”, làm sao chúng ta có thể biểu lộ hoặc thể hiện tình thương của mình tới những người khác? Thí dụ, nếu biết yêu thương chúng ta, mình sẽ không uống rượu say sưa làm hại đến lá gan và bao tử của mình. Nếu biết yêu thương chúng ta, mình sẽ không hút thuốc lá làm hại đến hai lá phổi và sức khỏe của mình. Nếu biết yêu thương chúng ta, mình sẽ chăm sóc đến sức khỏe của mình nhiều hơn, bằng cách tập thể dục thường xuyên và ăn uống những thức ăn lành mạnh. Tương tự như vậy trước khi bàn về vấn đề hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta nên tự vấn chính mình,
— Tôi đã hòa giải được với tôi hay chưa?
Nếu không có khả năng tha thứ cho hoặc hòa giải được với mình, làm sao tôi có thể hòa giải được với ai khác?
II. Người Con Hoang Đoàng
Câu chuyện Người Con Hoang Đàng (Luca 15:11-32) là một câu chuyện nổi tiếng, gần như ai cũng biết. Nhưng không mấy người chú ý đến một chi tiết liên quan đến khái niệm hòa giải với chính mình được trình bày trong câu chuyện. Trước khi quyết định quay về lại căn nhà xưa, Cậu Út nói,
— Tôi sẽ quay về nhà cha tôi. Tôi sẽ nói với người, “Thưa cha, con đã phạm tội đến trời và đến cha. Con không còn đáng được gọi là con cha nữa” (Luca 15:18-19).
Câu nói này Cậu Út không nói với ai hết nhưng với chính cậu ta. Sau đó Cậu Út mới lên đường trở lại căn nhà xưa. Khi gặp người cha, người con hoang đàng lập lại trước mặt thân phụ của mình nguyên văn câu nói mà cậu đã từng nói với chính mình trước đây,
— Thưa cha, con đã phạm tội đến trời và đến cha. Con không còn đáng được gọi là con cha nữa” (Luca 15:21).
Câu nói mà Cậu Út nói với chính mình trước khi làm một đường vòng chữ U là một câu nói của hòa giải với chính mình. Vào giây phút đó, người con hoang đàng không hòa giải với bất cứ một người nào khác, nhưng với chính cậu ta. Bởi đã hòa giải được với mình, Cậu Út đứng dậy, quay về lại căn nhà xưa. Lần này cậu hòa giải với người cha của một thời mà cậu đã quay mặt từ chối, xoay lưng bỏ đi.
III. Người Phụ Nữ Samaria
Câu nói, “Tôi không có chồng” (Gioan 4:17) của người phụ nữ xứ Samaria cũng là một câu của hòa giải với mình.
Có một chi tiết mà thông thường chúng ta ít chú ý tới khi nghe lời đối thoại giữa Đức Giêsu và người đàn bà xứ Samaria. Câu nói “Cô hãy về nhà gọi chồng cô ra đây” (Gioan 4:16) là một câu nói hơi đường đột, và bất lịch sự.
Titanic là một bộ phim nổi tiếng dài ba tiếng lấy biết bao nhiêu giọt nước mắt của khán giả. Sau khi cứu nhân vật nữ Rose thoát khỏi cảnh hiểm nghèo, sáng hôm sau, Jack Dawson và Rose gặp gỡ nhau. Chuyện qua chuyện lại, bất ngờ Jack nhắc đến vị hôn phu của Rose. Anh chàng Jack hỏi,
— Cô có yêu vị hôn phu của cô hay không?
Ngỡ ngàng trước câu hỏi quá đường đột, thẳng như ruột ngựa đó, Rose khó chịu,
— Anh là một người bất lịch sự. Tôi không biết anh. Anh không biết tôi… Anh hỏi tôi một câu anh không nên hỏi. Anh đúng là một người bất lịch sự…
Hai người, Jack và Rose, chỉ mới một lần gặp nhau. Dù rằng chàng thanh niên Jack đã có cử chỉ hào hùng cứu lấy mỹ nhân Rose, nhưng thật sự ra, hai người vẫn chưa trở thành thân cho lắm để tâm sự hoặc chia sẻ riêng tư.
Chuyện vợ chồng trong nền văn hóa nào cũng là một câu chuyện riêng tư mà một người lịch sự không nên mở miệng hỏi, trừ khi người đối diện tự động nhắc đến. Gặp một người phụ nữ sơ giao trong một bữa tiệc, một người con trai lịch sự không bao giờ hỏi, “Cô đã có chồng chưa? Cô được mấy cháu rồi?” Câu này là một câu hỏi thiếu tế nhị, bởi nó có thể bị người đối diện hiểu lầm. Khi gặp một người đàn ông và một người đàn bà đang đứng nói chuyện với nhau nơi đồng không mông quạnh, rất khó cho chúng ta không có những tư tưởng xấu về họ. Chắc chắn chúng ta sẽ không nghĩ là hai người này đang tranh luận hoặc bàn thảo về chuyện tôn giáo, chính trị, hay là họ đang lần hạt Mân Côi chung với nhau. Thế mà giữa đồng không mông quạnh gần thành phố Sai-kar, Đức Giêsu gợi chuyện với người phụ nữ Samaria. Sau cùng Ngài hỏi người đàn bà lạ mặt một câu hỏi về đời sống riêng tư của bà, “Hãy về và gọi chồng cô ra đây”. Trước tình cảnh này, người phụ nữ xứ Samaria có ba chọn lựa.
Chọn lựa thứ nhất, cô ta sẽ nói, “Ông là một người bất lịch sự. Ông không biết tôi. Tôi không biết ông. Ông hỏi tôi một câu hơi thiếu tế nhị. Tôi từ chối trả lời câu hỏi này bởi ông là một người bất lịch sự”.
Chọn lựa thứ hai, người đàn bà im lặng không nói chi, bởi câu hỏi của Đức Giêsu hơi đường đột, quá bất ngờ.
Chọn lựa thứ ba, người đàn bà xứ Samaria trả lời câu hỏi của Ðức Giêsu.
Theo như thánh sử Gioan, cuối cùng cô ta chọn, cái chọn lựa thứ ba, bởi cô nói, “Tôi không có chồng”.
Trong lăng kiếng hòa giải, “Tôi không có chồng” là câu nói mà người phụ nữ đang nói với chính cô ta chứ không phải ai khác. Bị chất vấn, bị đặt vấn đề, người thiếu nữ cuối cùng chọn lựa thành thật với chính mình. Cô không chọn cái chọn lựa thứ nhất, bằng cách từ chối trả lời câu hỏi. Cô cũng không chọn cái chọn lựa thứ hai, bằng cách yên lặng không nói chi. Nhưng cô chọn cái chọn lựa thứ ba, chọn lựa của chấp nhận có một thời cô đã sống trong tội lỗi. Cô chấp nhận hòa giải với chính mình bằng cách thú nhận với cô rằng người đàn ông cô đang sống chung không phải là chồng của mình. Tư tưởng nẩy sinh trong tâm hồn, xoay tròn trong tâm trí, cuối cùng bật ra nơi cửa miệng. Và người phụ nữ xứ Samaria nói, “Tôi không có chồng”. Câu nói này, cô ta đang nói với chính mình. Đồng thời, đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi của người khách lạ mặt bên bờ giếng, câu nói hòa giải với Thiên Chúa qua hình ảnh của Con Một của Người là Ðức Kitô.
IV. Tha thứ và Hòa giải
Có lần tôi gặp một người phụ nữ. Cô ta phá thai. Mười năm rồi, lương tâm cô ta bị cắn rứt với hình ảnh thai nhi đã một lần cô phá bỏ. Cô nói mặc dù đã lãnh nhận bí tích Hòa Giải nhiều lần, nhưng vẫn không cảm nhận được bình an trong tâm hồn. Lắng nghe câu chuyện, cuối cùng tôi hỏi,
— Vậy bao giờ chị sẽ tha thứ cho chị sau một lần lầm lỡ? Bao giờ chị sẽ hòa giải với chị cho một câu chuyện xảy ra đã hơn mười năm rồi? Mười năm vừa qua chị tự hành hạ mình chưa đủ hay sao?
Người con gái nhìn tôi. Cô ngỡ ngàng. Cô yên lặng. Và cô ta khóc! Nếu chưa hòa giải được với mình, tôi nghĩ rất khó cho chúng ta chấp nhận hòa giải với Thiên Chúa; bởi trong nhiều trường hợp, Chúa đã tha thứ cho chúng ta từ bao lâu rồi, nhưng chúng ta vẫn như chú kiến, bò tới bò lui trên miệng chén, loay hoay đi ra đi vô lên án chúng ta.
V. Hòa Giải Với Mình
Trong những buổi cấm phòng chia sẻ về chủ đề Hòa Giải, đặc biệt hòa giải với chính mình, nhiều người đặt câu hỏi, thắc mắc với tôi về những phương cách giúp chúng ta tha thứ và hòa giải với chính mình.
Khi một người xin lỗi chúng ta về một lời nói hay một hành động, động từ xin lỗi trong trường hợp này bao gồm hai ý nghĩa; thứ nhất, người xin lỗi biết mình sai lầm; thứ hai, người xin lỗi mong muốn được tha thứ. Nếu đồng ý tha thứ, chúng ta chấp nhận hòa giải. Tha thứ ở đây có nghĩa là không bao giờ chúng ta nhắc lại hành động lỗi lầm của người đó một lần nữa. Chúng ta không nhắc lại một lần nữa câu chuyện của quá khứ không phải bởi chúng ta đã quên đi chuyện cũ, nhưng bởi chúng ta đã chấp nhận hòa giải. Tiếng Anh có một câu nói khá chính xác diễn tả trường hợp này, forgive not forget, tha thứ nhưng không quên. Có thể câu chuyện đó vẫn nằm trong trí nhớ của chúng ta, nhưng bởi mình đã chấp nhận tha thứ hòa giải, chúng ta để cho câu chuyện đó chìm sâu vào trong quá khứ.
Thật sự ra có những biến cố trong đời, chúng ta không thể nào quên đi được, mặc dù chúng ta đã đồng ý tha thứ cho người lầm lỡ hoặc cho chính chúng ta. Dòng đời trôi qua nhưng biến cố này vẫn khắc sâu trong trí nhớ chúng ta. Nhớ lại những lỗi lầm hoặc biến cố này, chúng ta vẫn cảm thấy xót xa, mất bình an, thí dụ, phá thai. Ngược lại, cũng có những trường hợp chúng ta đã tha thứ, bỏ qua, và rồi chúng ta quên luôn câu chuyện này theo dòng thời gian. Tôi nhớ, hồi còn nhỏ tôi nổi giận, đánh cô em gái. Tôi đã xin lỗi. Về sau có một lần vui miệng tôi nhắc lại câu chuyện cũ với em tôi. Cô em nói nếu anh không kể lại, em cũng chẳng nhớ là đã có lần anh em bất hòa.
Để hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì? Một trong những phương cách để hòa giải với Thiên Chúa mà một người Kitô hữu thường làm là qua Bí Tích Hòa Giải. Chúng ta gặp một vị linh mục, người đại diện cho Chúa. Chúng ta NÓI với Chúa về những lỗi lầm. Chúng ta xin Thiên Chúa thứ tha cho những lần chúng ta yếu đuối.
Một cách tương tự, để tha thứ, để hòa giải được với mình, tôi đề nghị chúng ta có thể làm những điều sau đây:
(1). VIẾT những lỗi lầm của chúng ta lên trang giấy, thí dụ, viết nhật ký. Trong trường hợp viết nhật ký, chúng ta phải cẩn thận, bởi biết đâu sẽ có người thứ hai đọc được những hàng nhật ký riêng tư của chúng ta. Nếu muốn, sau khi viết lên giấy trắng những tâm sự riêng tư của mình, chúng ta nên đốt đi.
(2). Chúng ta NÓI ra hoặc KỂ lại với một người thứ hai về những lỗi lầm của chúng ta, những câu chuyện cắn rứt lương tâm của mình. Người thứ hai đây phải là một người chúng ta hoàn toàn tin tưởng được. Người này có thể là người bạn, hoặc người thân trong gia đình, hoặc linh mục trong tòa giải tội, hoặc sơ linh hướng, hoặc ngay cả với Thiên Chúa. Nếu có điều kiện về tài chánh, bạn có thể nói với bác sĩ tâm lý, counselor.
Viết hoặc nói ra những biến cố quan trọng, những biến cố cắn rứt lương tâm là một trong những cách một người có thể làm trong khi họ đang tìm cách để tha thứ và hòa giải với chính mình. Đặc biệt, một trong những dấu hiệu biết là mình đã tha thứ, đã bỏ qua, đã hòa giải là trong khi nhớ lại câu chuyện cũ, mình không còn cảm thấy bồi hồi xót xa, hoặc là lương tâm cắn rứt với câu chuyện cũ nữa.
www.nguyentrungtay.com
LM Nguyễn Trung Tây, SVD
18.3.08
Hòa giải với mình
Autor: conggiao o 08:00
Etykiety: 06. SUY NIỆM - LỜI CHÚA
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 komentarze:
Đăng nhận xét