Hằng năm chúng ta cử hành Tuần Thánh với các lễ nghi được lặp lại trong tuần này. Vậy chúng ta nói qua về Tuần Thánh này, về cơ cấu việc cử hành và ý nghĩa của Tuần này, để có thể tham dự cách tích cực và sốt sắng. Đây là việc rất ý nghĩa và hợp thời, vì Tuần Thánh đã gần tới và việc hiểu biết Tuần này rất cần thiết cho chúng ta, vì đây là Tuần đặc biệt trọng đại, Tuần lễ Mẹ của các tuần lễ khác trong cả Năm phụng vụ.
Có lẽ khi tham dự các lễ nghi Tuần thánh,
chúng ta có được những cảm nghiệm riêng và những ơn huệ đặc biệt của Chúa ban cho. Vì thế qua suốt Mùa Chay và những ngày của Tuần Thánh, mỗi người cố gắng tham dự các lễ nghi Tuần Thánh với lòng sốt sắng đặc biệt.
Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa Nhật Lễ Lá, cũng gọi là Chúa Nhật Thương Khó. Tuần này được chia ra làm hai giai đoạn như sau: giai đoạn thứ nhất, từ Chúa Nhật lễ Lá tới Thánh lễ chiều thứ năm Tuần Thánh. Giai đoạn thứ hai: từ Thánh lễ “Tiệc Ly” cử hành vào chiều thứ năm Tuần Thánh cho tới hết Lễ Phục Sinh. Mỗi giai đoạn có cơ cấu và những lễ nghi, những kinh nguyện, các bài đọc Sách thánh riêng, cũng như những biểu hiệu riêng. Tất cả để làm nổi bật và làm sáng tỏ mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Chúa Kitô được cử hành trong Tuần Thánh này.
Chúng ta bắt đầu tìm hiểu với Chúa Nhật Lễ Lá hay Chúa Nhật Thương Khó. Chúa nhật này có mục đích tưởng niệm việc Chúa Kitô vào thành Giêrusalem cách trọng thể như Vua cao cả vào vương quốc của mình, và Chúa nhật này cũng bắt đầu cuộc Thương Khó của Chúa Kitô. Vì thế lễ nghi của Chúa Nhật Lễ Lá được chia làm hai phần: phần tưởng niệm việc Chúa Kitô vào thành Giêrusalm cách trọng thể và phần bắt đầu việc tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa trong những ngày tới nữa.
Việc tưởng niệm Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem được cử hành ngoài nhà thờ, với việc làm phép lá và rước kiệu vào nhà thờ. Để cho thấy ý nghĩa và biến cố của nghi thức này, phụng vụ cho đọc bài tường thuật biến cố này Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem như được tường thuật trong các Phúc âm Nhất lãm, thánh Mathêô, Marcô và Luca, theo chu kỳ ba năm A.B và C.
Tiếp theo là Thánh Lễ và việc công bố Bài Thương Khó theo ba thánh sử Nhất Lãm, Mathêô, Marcô và Luca, cũng theo chu kỳ ba năm A, B và C.
Như vậy chúng ta nhận ra phụng vụ Chúa Nhật Lễ Lá xưng tụng Chúa Kitô là Vua, nhưng Ngài là Vua không phải vì vương quyền bên ngoài hay trần thế này, nhưng chính là qua cuộc tử nạn của Ngài. Do đó áo lễ linh mục mặc vẫn là mầu đỏ trong suốt buổi lễ.
Sau đó trong những ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư Tuần Thánh, việc tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa Kitô được tiếp tục, với việc đọc trong Thánh Lễ các bài ca của người Tôi tớ Đức Giavê của ngôn sứ Isaia, và các bài phúc âm ghi lại các biến cố liền trước ngày Chúa Giêsu chịu tử nạn, như biến cố xức dầu tại Bêtania (Ga 12, 1-11); biến cố Chúa Giêsu loan báo việc Giuđa phản bội nộp Chúa (Ga 13, 21.33; 36-38; Mt 26, 14-25).
Sáng ngày thứ năm Tuần Thánh, Đức Giám mục chủ sự thánh lễ đồng tế với các linh mục trong giáo phận của Ngài, trong đó có việc làm phép Dầu bệnh nhân và Dầu dự tòng, cũng như thánh hiến Dầu thánh. Trong thánh lễ này, có thói quen là các linh mục, chứ không phải các phó tế, nhắc lại trước giám mục và cộng đồng dân Chúa, lời hứa của mình trong ngày chịu chức linh mục. Các bản văn trong Thánh Lễ này nói tới chức tư tế của Chúa Kitô, vì Ngài được xức dầu để nên ngôn sứ, tư tế và mục tử.
Với Thánh Lễ chiều thứ năm, Giáo Hội tưởng niệm Chúa Kitô lập bí tích Thánh Thể và đồng thời bước vào Tam Nhật Thánh, tưởng niệm biến cố Vượt qua của Chúa Kitô. Vì thế bài đọc thứ nhất trích đoạn sách Dân Do thái ăn chiên vượt qua như được thuật lại trong sách Xuất hành. Trong phụng vụ chiều thứ năm Tuần Thánh, Giáo Hội tưởng nhớ việc Chúa Kitô lập bí tích Thánh Thể, lập chức linh mục tư tế và ban giới răn mới về đức ái. Ngoài ra còn có một số yếu tố khác làm sáng tỏ ba điểm này: như nghi thức rửa chân (tùy nghi cử hành), việc rước kiệu Thánh Thể tới nhà tạm sau thánh lễ, và việc chầu Mình Thánh cách trọng thể tại nhà tạm cho tới nửa đêm thứ năm. Sau đó có thể tiếp tục chầu riêng.
Ngày thứ sáu Tuần Thánh là ngày Giáo hội ăn chay và giữ thinh lặng để tưởng niệm cuộc khổ nạn và cái chết của Chúa trên thập giá. Việc giữ chay hôm nay có tính cách bó buộc theo giáo luật và là một trong hai ngày buộc ăn chay trong cả năm. Hơn nữa ý nghĩa của việc ăn chay này nhằm chia sẻ cuộc khổ nạn của Chúa, chứ không chỉ mang tính cách hãm mình đền tội.
Vào ban chiều, khoảng giờ thứ ba, Giáo hội tưởng niệm cái chết của Chúa Kitô trên thập giá qua một lễ nghi gọi là “Nghi thức phụng vụ thương khó”. Nghi thức này gồm có việc công bố bài Thương Khó theo Thánh Gioan, luôn được dành cho Thứ sáu Tuần Thánh. Tiếp theo là việc cầu nguyện trọng thể theo các ý chỉ khác nhau. Đây là mẫu mực và nguồn gốc của Lời nguyện chung mà chúng ta thấy đọc ngày nay. Rồi có phần tôn kính Thánh Giá Chúa Kitô và sau cùng là việc rước lễ với Mình Thánh đã được truyền phép ngày hôm trước vì ngày Thứ sáu Tuần Thánh được gọi là “ngày không phụng vụ” nghĩa là không có Thánh lễ. Mối liên hệ và ý nghĩa các phần phụng này được trình bày như sau: Giáo Hội tưởng niệm Chúa Kitô chịu chết (qua bài Thương khó theo Thánh Gioan), rồi việc Ngài chết đem lại ơn cứu rỗi cho nhân loại, do đó Giáo Hội cầu nguyện cho các hạng người khác nhau (Lời nguyện trọng thể); từ đây Thập giá được Giáo hội tôn kính đặc biệt như là gỗ cứu rỗi (lễ nghi tôn kính Thánh Giá) và sau cùng, Giáo hội hiệp thông và đón nhận ơn cứu rỗi của Chúa Kitô qua việc rước lễ.
Trong ngày Thứ sáu Tuần thánh, tín hữu còn thực hiện các việc đạo đức bình dân khác, như giữ thinh lặng, gẫm đàng thánh giá, đọc các bài Kinh thánh liên quan đến cuộc tử nạn của Chúa Kitô, ngắm nguyện như tại Việt Nam chúng ta.
Ngày thứ bảy Tuần Thánh, Giáo hội còn giữ thinh lặng và ăn chay để thông công với Chúa Kitô chịu chết và xuống ngục tổ tông, và chờ mong Ngài sống lại. Vì thế những ai có thể, thì khuyên tiếp tục ăn chay cả thứ bảy Tuần Thánh, để hiệp thông với Chúa chịu chết và chờ đón Ngài sẽ sống lại. Suốt cả ngày thứ bảy Tuần Thánh, Giáo hội sống tâm tình siêu nhiên này. Và vào ban đêm, Giáo hội tập họp con cái lại để cử hành Nghi thức Vọng Phục Sinh.
Nghi thức Vọng Phục sinh gồm các phần sau đây: làm phép lửa mới và rước Nến Phục Sinh, tượng trưng Chúa Kitô là Ánh sáng thế gian và Nến phục sinh tượng trưng chính Chúa Kitô sống lại; tiếp theo là việc công bố Tin mừng Phục sinh với bài ca Exsultet; sau đó là việc đọc Lời Chúa để tưởng nhớ lại việc tạo dựng, con người phạm tội, việc thiết lập giao ước giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài, và tường thuật việc Chúa Kitô sống lại. Tiếp theo đó là nghi thức cử hành các bí tích khai tâm kitô giáo cho dự tòng và việc các tín hữu nhắc lại các lời hứa rửa tội, và sau cùng là cử hành Thánh Thể được coi như là tột đỉnh của buổi cử hành, vì đó là Lễ Vượt qua của Chúa Kitô được tái diễn lại. Sau cùng Ngày Chúa Nhật và cả tuần Bát Nhật phục sinh được coi như Đại lễ Phục sinh kéo dài.
Tóm lại, chính các lễ nghi và ý nghĩa của chúng đã mang tính cách trọng thể đặc biệt. Ở đây chúng ta có thể ghi lại một vài điểm như sau:
Hãy chuẩn bị kỹ càng, nhất là các linh mục, để cử hành các lễ nghi Tuần Thánh một cách đúng và trọng thể hết sức, từ việc tìm hiểu diễn tiến, cơ cấu, ý nghĩa các lễ nghi, các điểm chữ đỏ về thời gian, nơi cử hành, phận vụ của các các thừa tác vụ, người giúp lễ, các phần phải hát, các đồ dùng phải có trong mỗi buổi cử hành . . . Tránh hết sức lối cử hành thiếu chuẩn bị, thiếu tập dượt các lễ nghi và không chuẩn bị các người đọc sách thánh trước.
Giữ đúng các lễ nghi, không bỏ hay thêm bớt gì vào, vì các lễ nghi này đã được xếp đặt với ý nghĩa rõ ràng và liên hệ giữa chúng để cho thấy mầu nhiệm Vượt qua cử hành trong Tuần Thánh này.
Hết sức tôn trọng các biểu hiệu, như Nến Phục sinh, tượng trưng cho Chúa Kitô. Vì thế hết sức để có một cây nến thật và mới mỗi năm.
Rôma, ngày 6-3-2008
Lm. Phanxicô Borgia Trần Văn Khả
18.3.08
Cử hành Tuần Thánh và ý nghĩa Tuần Thánh
Autor: conggiao o 07:32
Etykiety: 10. SỐNG ĐẠO
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 komentarze:
Đăng nhận xét