CLICK HERE FOR THOUSANDS OF FREE BLOGGER TEMPLATES »
“Hỡi anh em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết ; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng thương mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta" (Những lời sau cùng của Chân Phước Anrê Phú Yên)

15.4.08

Tổng Thống Bush thấy Thiên Chúa trong ánh mắt Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI.


VietCatholic News (Thứ Hai 14/04/2008 10:26)
WASHINGTON (Zenit) - Tổng Thống Hoa Kỳ George Bush cho hay rằng ông thấy Thiên Chúa trong ánh mắt của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Ngài Tổng Thống xác nhận điều này hôm thứ Sáu khi ông trả lời câu hỏi cuối cùng trong bài trả lời phỏng vấn với Raymond Arroyo của Eternal Word Television Network (EWTN).

Phỏng vấn viên Raymond Arroyo cho hay, Tổng Thống Bush dự định sẽ dốc hết sức để chào đón Đức Thánh Cha trong chuyến tông du Hoa Kỳ năm ngày của ngài bắt đầu từ thứ Ba ngày 15/4/2008. Đáng chú ý nhất, Tổng thống Bush sẽ ra phi trường để đón Đức Thánh Cha, một cử chỉ lịch sự mà ông chưa bao giờ dành cho bất cứ vị lãnh đạo nào đến viếng thăm.

Ngài Tổng Thống nói rằng ông dự định thực hiện điều này “vì [Đức Giáo Hoàng] thực sự là nhân vật quan trọng trên nhiều phương diện. Một là, ngài diễn thuyết cho hàng triệu người. Hai là, ngài không đến với cương vị chính trị gia; ngài đến với tư cách là một con người của đức tin. Và thứ ba là, tôi cũng tán thành quan điểm của ngài rằng […]trong cuộc sống thì có đúng và sai; thuyết tương đối về luân lý rất nguy hiểm, làm xói mòn các khả năng để có được xã hội của hy vọng và tự do, cũng như tôi muốn thể hiện lòng kính trọng của mình đối với những xác tín của ngài”.

Tổng Thống Bush nói rằng Đức Thánh Cha “trình bày và giữ vững quan điểm về một số giá trị mà tôi nghĩ rằng rất quan trọng cho sự vững mạnh của đất nước này và khi ngài đến nước Mỹ, hàng triệu công dân đồng bào tôi sẽ lắng nghe ngài từng chữ một. Và đó là lý do tại sao lại rất quan trọng”.

Phỏng vấn viên EWTN cũng nói đến việc Đức Thánh Cha hầu như chắc chắc sẽ bàn đến vấn đề chiến tranh Iraq và hỏi chính phủ Hoa Kỳ đang làm gì để bảo vệ Kitô giáo thiểu số ở đó. Ông Bush trả lời rằng: “Chúng tôi thực hiện mọi việc cùng nhau, chúng tôi đang thúc giục chính phủ (Iraq) hiểu rằng quyền tối thiểu là một phần sống còn cho bất kỳ xã hội dân chủ nào. Nhân đây, cũng cần nói thêm rằng mối quan tâm của tôi không chỉ là quyền tối thiểu ở Iraq mà là cho khắp Trung Đông”.

Ở một mảng khác về nhân quyền, Arroyo hỏi ông Bush tại sao ông dự định tham dự lễ khai mạc Olympic ở Bắc Kinh khi mà hồ sơ vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh thật thảm khốc. Ông Bush tuyên bố rằng ông không muốn biến Olympic trở thành một diễn đàn chính trị: “Và lý do tại sao là bởi vì tôi có thể đàm phán với [Trung Quốc] về tự do tôn giáo trước Olympic, trong Olympic và sau Olympic -- điều mà tôi đã thực hiện. Tôi không cần đem Olympic ra để bày tỏ lập trường của tôi đối với giới lãnh đạo Trung Quốc về tự do. Tôi chỉ không cần chúng -- vì rằng tất cả những gì tôi thực hiện là trên cương vị của một tổng thống. Mặc khác -- nếu người dân nói với tôi rằng: ông cần bộc lộ bản thân về tự do tôn giáo, thì câu trả lời của tôi là, bạn nghĩ gì về việc tôi đang làm?”.

Phỏng vấn viên Arroyo đề cập: “Vào năm 2001, Tổng Thống đã gặp Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, ngài đã động viên Tổng Thống đừng ký ủng hộ quỹ dự trữ liên bang. Tổng thống đã không ký. Tổng thống đã hạn chế quỹ dự trữ liên bang trong việc nghiên cứu tế bào phôi người. […] Kết quả của hành động đó, các công nghệ khác đã được phân tích, nghiên cứu. Giờ đây, tế bào thân của người trưởng thành đã được tạo ra […] chữa trị cho hơn 80 loại bệnh tật khác nhau”. Ông Bush xác nhận: “Tôi cảm thấy rằng đó là quyết định đúng, và rõ ràng dữ liệu đã biểu thị điều đó -- Tôi hy vọng nó biểu thị cho mọi người thấy đó là quyết định đúng. […] Nhân đây, tôi nghĩ rằng đây là khởi đầu của những gì đang được quan tâm tranh cãi mà các vị tổng thống tương lai sẽ phải tiếp tục giải quyết, và đó là khoa học chống lại luân lý, những giá trị của cuộc sống chống lại việc giữ gìn sự sống -- cứ cho là thế. […] Tôi đã vẽ rõ ràng một lằn trên cát rằng tôn trọng sự sống bằng mọi hình thức là một chuẩn mực cho nền khoa học đúng đắn”. “Tôi nghĩ thật là quan trọng để người dân hiểu rằng văn hóa sự sống nằm trong sự quan tâm của đất nước chúng ta -- cũng thật quan trọng khi hiểu rằng các chính trị gia đang không biến đổi cho đến khi con tim người dân thay đổi, để hòan tòan hiểu ý nghĩa của sự sống và điều đó có ý nghĩa thế nào đối với một xã hội coi trọng sự sống bằng mọi hình thức – dù đó là sự sống cho mầm sống chưa ra đời, hay sự sống cho người già, hay đó là sự sống cho người kém may mắn trong chúng ta, hay là sự sống của kẻ giàu có. Ý tôi là, đó là chuẩn mực đạo đức, tôi nghĩ điều đó phải được nói ra để xã hội vững mạnh về lâu dài”.

Ngài Tổng Thống cũng nói rằng sự bền vững về luân lý của Đức Thánh Cha là chìa khóa dành cho các chính trị gia: “Và tôi được nhắc rằng tiếng nói của Đức Thánh Cha khả kính có tầm quan trọng thế nào trong việc tạo sự dễ dàng hơn cho các chính trị gia như tôi, để phần nào có thể đứng vững lập trường và bảo vệ luận điểm của chúng tôi. Tôi nghĩ đó là luận điểm rất quan trọng cần được nắm bắt”.

Cuối cùng, phỏng vấn viên Arroyo hỏi: “Thưa Tổng Thống, ông đã từng nói rất cừ khôi, khi Tổng Thống nhìn vào mắt của (Tổng Thống Nga) Vladimir Putin, ông thấy được tâm hồn của ông ta […] Vậy khi Tổng Thống nhìn vào mắt của Đức Giáo Hòang Bênêđictô XVI, ông thấy gì?”. Tổng Thống Bush trả lời ngay: “Thiên Chúa”.
John Bosco Nguyễn Hoàng Thương


Một luồng gió Công giáo thổi trong tòa Bạch Ốc

Một thời gian ngắn sau khi Bênêđictô XVI được bầu làm giáo hoàng năm 2005, tổng thống Bush họp với một nhóm nhỏ các vị cố vấn tại Văn phòng Bầu dục. Khi có vài người đề cập đến quá trình tôn giáo của mình, tổng thống cho biết ông đã đọc một trong những cuốn sách về đức tin và văn hóa ở Tây Âu do vị tân giáo hoàng trước tác.


TT Bush gặp ĐGH Benedictô năm ngoái tại Vatican
Lúc đó, Tổng thống Bush là người duy nhất trong gian phòng không theo đạo Công giáo. Nhưng mối quan tâm của ông đối với các bài viết của vị giáo hoàng là điều không lạ lẫm đối với những người chung quanh ông. Trong khi Bạch ốc chuẩn bị đón tiếp ĐGH Bênêđictô XVI vào ngày thứ Tư (16/4/2008), nhiều người trong giới thân cận với ông Bush hy vọng Đức giáo hoàng sẽ thấy nơi vị tổng thống một người đồng cảm. Bởi vì, có ai đó cho rằng, nếu Bill Clinton có thể được gọi là vị tổng thống da đen đầu tiên thì George W. Bush có thể đúng là vị tổng thống Công giáo thứ nhất của đất nước.

Ý tưởng đó nghe ra có vẻ kỳ lạ. Đúng vậy, đã có John F. Kennedy là người Công giáo rồi kia mà. Nhưng ở chỗ Kennedy tìm cách tách rời tôn giáo của mình khỏi văn phòng làm việc thì Bush lại đón chào học thuyết và giáo huấn của Công giáo Rôma vào toà Bạch ốc, và trên đó ông đặt căn bản nhiều quyết định quan trọng trong chính sách đối nội.

Rick Santorum, cựu nghị sĩ bang Pennsylvania và là tín hữu Công giáo đạo hạnh, người đầu tiên gán cho Bush nhãn hiệu “tổng thống Công giáo”, đã nói rằng: “Tôi nghĩ chả có điều gì phải thắc mắc về chuyện đó. Ông ấy chắc là Công giáo hơn Kennedy nhiều.”

Bush đi một nhà thờ giáo hội Giám chế (Episcopal) ở Washington, gia nhập giáo hội Giám lý (Methodist) ở Texas, còn căn bản chính trị của ông đặt vững chắc trên giáo hội Truyền đạo (Evangelical). Vậy mà chung quanh ông tổng thống theo đạo Tin lành này lại là những nhà trí thức, người viết diễn văn, giáo sư, linh mục, giám mục và chính trị gia Công giáo. Những người Công giáo này -- và cùng với họ, giáo huấn xã hội Công giáo -- suốt tám năm qua đã hình thành các bài diễn văn, các chính sách và di sản của Bush đến một mức độ có lẽ chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa kỳ.

“Tôi thường hay nói rằng có nhiều người Công giáo trong đội ngũ soạn thảo diễn văn cho tổng thống Bush hơn đội hình tiền đạo trường Notre Dame suốt nửa thế kỷ vừa qua.” Đó là lời ông William McGurn, một người Công giáo, là học giả trước đây đã phục vụ cho tổng thống Bush.

Bush cũng đã đặt người Công giáo vào những vai trò nổi bật trong chính quyền liên bang, và dựa vào các truyền thống Công giáo để áp dụng trong lãnh vực công cộng cho mọi chuyện, từ đề án tổ chức từ thiện tôn giáo (faith-based initiative) cho đến luật lệ chống phá thai. Ông đã phối hợp chủ nghĩa trí thức Công giáo với lương tri chính trị Tin lành để làm nên một liên minh cử tri đoàn mạnh mẽ.

“Có một ý thức nơi tòa Bạch ốc cho rằng truyền thống trí thức Công giáo phong phú là tài nguyên để nối kết giữa đức tin Kitô giáo, các phán quyết về luân lý đặt trên nền tảng tôn giáo, với chính sách công cộng”, đó là lời của cha Richard John Neuhaus, một linh mục Công giáo, biên tập viên báo First Things, đã giảng huấn cho Bush về các học thuyết xã hội của giáo hội gần cả một thập niên.

Vào cuối thập niên 1950, đạo Công giáo của Kennedy chập chờn như một cánh chim hải âu chính trị, và ông ta đã cật lực giữ một vị trí cách xa giáo hội của mình. Ông tuyên bố tôn giáo của ông “không liên quan gì” đến việc chấp nhận đảng Dân chủ đề cử ông làm ứng viên tổng thống năm 1960.

Trái lại, Bush và chính quyền của ông thì lại không có mối lo ngại như thế về những mối dây liên hệ với Công giáo. Có những lúc họ còn trưng ra vì mục đích chính trị nữa. Ngay cả trước khi đi vào tòa Bạch ốc, Bush và nhà chính trị sừng sỏ của ông là Karl Rove còn mời các nhà trí thức Công giáo tới Texas để diễn giảng cho ứng cử viên về các giáo huấn xã hội của giáo hội. Vào tháng giêng năm 2001, chuyến xuất hiện chính thức ra ngoài Bạch ốc lần đầu tiên trong cương vị tổng thống của ông Bush tại thủ đô quốc gia, là bữa ăn tối với vị tổng giám mục Washington, lúc đó là Theodore McCarrick. Mấy tháng sau, Rove (một người theo đạo Episcopal) hỏi xin vị cựu cố vấn Công giáo tòa Bạch ốc là Deal Hudson tìm cho một vị linh mục để làm phép văn phòng của mình ở cánh Tây tòa Bạch ốc.

Hudson nói: “Đã có ý thức rất rõ rệt rằng những người bảo thủ trong các tôn giáo đã đưa Bush vào Bạch ốc, và [chính quyền Bush] muốn làm những gì mình đã được họ ủy thác.”


Về chiến tranh Iraq, ĐGH JPII nói "phải rút quân"
Đối với những người Công giáo bảo thủ, điều đó có nghĩa là: ngăn chặn hôn nhân đồng tính, an tử, và nghiên cứu tế bào gốc từ phôi người, và hoạt động để giới hạn vấn đề phá thai ở Hoa kỳ cũng như ngoài nước bằng cách đề cử những thẩm phán có thể có quan niệm coi phá thai là bất hợp pháp. Để quan trọng hóa, Bush thường hay vay mượn khúc ca tán dương “một nền văn hóa sự sống” của Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Nhiều người Công giáo thân cận với ông tin tưởng rằng gần 300 vị thẩm phán ông đã bổ nhiệm vào ghế chánh án liên bang – đáng kể nhất là John Roberts và Samuel Alito, hai người Công giáo ở Tối cao Pháp viện – có thể là di sản lớn lao nhất của ông.

Bush cũng dùng học thuyết và lối nói hoa mỹ Công giáo để đẩy mạnh đề án tổ chức từ thiện tôn giáo (faith-based initiative), đó là một phong trào nhằm mở quỹ tài trợ liên bang cho các nhóm tôn giáo thường cung cấp dịch vụ xã hội cho cộng đồng của họ. Phần lớn sáng kiến này dựa trên nguyên lý Công giáo về “phụ trợ hạ tầng (subsidiarity)” – do tư tưởng cho rằng người dân địa phương là người ở trong cương vị thích hợp nhất để giải quyết các vấn đề tại địa phương. “Tổng thống có lẽ tuyệt đối không biết gì về giáo lý đạo Công giáo, nhưng ông rất quen thuộc với nguyên tắc phụ trợ.” Đó là lời H. James Towey, cựu giám đốc Văn phòng tòa Bạch ốc về đề án tổ chức từ thiện tôn giáo, nay là chủ tịch một trường đại học Công giáo ở vùng tây nam Pennsylvania. Ông nói thêm: “Có nghĩa như chính phủ không phải là vị cứu tinh, và các vấn đề như nghèo đói có gốc rễ tâm linh.”

Tuy nhiên, Bush không phải không gặp những chỉ trích từ phía những người Công giáo của ông. Một số người cho rằng lối nói hoa mỹ ông dùng khi nói về tổ chức từ thiện tôn giáo chỉ là chủ nghĩa bảo thủ tỉnh nhỏ khoác lên mình bộ phẩm phục tôn giáo, còn các chính sách về kinh tế của ông, bao gồm cả chuyện giảm thuế cho người giầu, đã tạo nên một khoảng cách biệt về của cải, rõ rệt lật ngược nguyên lý Công giáo về sự đồng cảm với người nghèo.

John Carr, một vị giám đốc cao cấp phụ trách chính sách công của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ, gọi di sản của chế độ Bush là “câu chuyện về hai chính sách.”

Ông nói: “Cái tốt đẹp nhất của chính phủ Bush là ở các việc phát triển trợ giúp để ngăn ngừa bệnh HIV/AIDS ở Phi châu. Còn về chính sách đối nội, chủ nghĩa bảo thủ thắng thế lòng nhân ái.”

Những người Công giáo có thế giá khác kết án tổng thống đã không đếm xỉa đến các giáo huấn của Roma về chiến tranh tại Iraq và về chuyện tra tấn tù binh. Nhưng ngay cả khi ông đã thực thi những chuyện mà Vatican phản đối, chẳng hạn việc xâm lăng Iraq, Bush cũng tỏ ra tôn trọng các giáo huấn của giáo hội. Trước khi gửi quân đội Mỹ vào Baghdad để lật đổ Saddam Hussein, ông đã gặp các “thần học gia” Công giáo để thảo luận về lý thuyết của một cuộc chiến tranh có chính nghĩa. Cố vấn tòa Bạch ốc Leonard Leo, người đứng đầu liên lạc với cử tri Công giáo của Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hoà, nói rằng Bush “đã tiến hành đối thoại với người Công giáo và chia sẻ các viễn ảnh với người Công giáo theo kiểu mà tôi thiết nghĩ là khá độc đáo trong nền chính trị Hoa kỳ.

Hơn nữa những người thân cận với Bush nói rằng ông đã thú nhận không chút dấu giếm sự thán phục kỷ luật của giáo hội, và cá nhân ông bị lôi cuốn về tầm rộng lớn và tính thống nhất trong các giáo huấn của giáo hội. Một linh mục ở New York là bạn của tổng thống nói rằng ông Bush kính trọng đường lối đạo Công giáo ngay từ nền móng – với ý niệm rằng chức vị giáo hoàng là ý Chúa sắp đặt và giáo hoàng là người kế vị thánh Phêrô. Linh mục này nói: “Tôi thiết nghĩ điều làm ông thich thú về đạo Công giáo là tính cách hợp lý theo lịch sử. Quả ông coi trọng nền thần học có hệ thống của giáo hội, tính thuyết phục và tính ổn định đầy trí thức.” Linh mục cũng nói rằng Bush “không phải không biết đạo Tin lành – khi so sánh với Công giáo – dường như bị giới hạn hơn, cả về thần học lẫn lịch sử.”

Người trước kia viết diễn văn cho Bush là Michael Gerson, một tín đồ đạo Evangelical rất hâm mộ giáo huấn Công giáo, nói rằng chìa khoá để hiểu chính sách đối nội của Bush là nhìn chính sách đó qua lăng kính của Tòa thánh Roma. Những người khác còn đi xa hơn thế nữa.

Paul Weyrich, một chuyên viên về quyền tôn giáo, thấy nơi ông Bush có bóng dáng cựu thủ tướng nước Anh, Tony Blair, người mới trở lại theo Công giáo năm ngoái đây. Ông nói về Bush: “Tôi nghĩ ông ta là một tín hữu bí mật.” Tương tự như thế, giám đốc đầu tiên của Bush về Đề án tổ chức từ thiện tôn giáo, đã gọi tổng thống là “một người Công giáo bí mật”. Trong câu nói của ông chỉ có một nửa là lời đùa cợt.

(Nguồn: Bài của Daniel Burke, phóng viên toàn quốc báo Washington Post, phụ trách Tin Tôn giáo).
Phụng Nghi

->Đọc thêm...

0 komentarze: