Tôi suy nghĩ thật nhiều về những khó khăn của Mục Tử Việt Nam ở các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Canada. Trong ít năm qua, tôi có dịp thăm viếng hầu hết những cộng đoàn Công Giáo Việt Nam ở Canada. Tôi có dịp chia sẻ những vui buồn, những thành công mục vụ và cả những xung khắc, những chia rẽ trong nội bộ của các cộng đoàn. Tôi thường tìm hiểu và chia sẻ không như kẻ có quyền để giải quyết vấn đề, nhưng như một đồng hương, một người bạn cùng mang thân phận ly hương, xa xứ.
Tuy nhiên, tôi có cơ hội để cầu nguyện và để nâng đỡ anh em linh mục. Tôi có cơ hội thông cảm với giáo dân Việt Nam. Tôi có cơ hội cống hiến một giải thích hợp tình và hữu lý cho những người trong cuộc. Không nhiều lắm, chỉ có mười chìn cộng đoàn lớn bé và chỉ có hai mươi linh mục Việt Nam trực tiếp chăm sóc đàn chiên Việt. Sáu mươi lăm linh mục còn lại xem chừng khá yên ổn trong công tác mục vụ nơi các cộng đoàn công giáo người Canada, không có nhiều chuyện để nói.
Gần đây thôi, tôi được nhìn thấy tận mắt một số anh em linh mục sau nhiều năm phục vụ cộng đoàn Công Giáo Việt Nam, đã ngao ngán, mất tinh thần và phải xin đi nghỉ vài tháng để tìm lại chút bình an tâm hồn.
Cha bị một số người tố cáo với Toà Giám Mục là Cha tham tiền đến độ quy định giá biểu và đòi hỏi tiền xin lễ cưới, lễ mồ quá cao. Cha quá chú trọng đến tiền bạc vật chất, lo làm ăn kinh doanh lấy tiền bỏ túi và quên bổn phận thiêng liêng chăm sóc linh hồn tín hữu. Cha có quan hệ làm ăn phi pháp đến nỗi bị báo chí chụp hình khi ra toà làm chứng cho một giáo dân. Cha tiêu pha tiền bạc không rõ ràng, chỉ một bình bông trong nhà thờ mà chi phí mất cả trăm đồng. Sự hiện diện và phục vụ của Cha gây nhiều tốn kém quá đến nỗi bà con yêu cầu Cha không cần đến dâng lễ Chúa Nhật mỗi tuần. Nhiều người đề nghị giải pháp “mướn Cha khách” đến làm lễ thỉnh thoảng và tính sòng phẳng theo kiểu “tiền trao cháo múc”
Không biết nỗi buồn của vị mục tử khi đương đầu với những phủ phàng nầy lớn đến mức nào? Cha ấy phải buồn lâu và sâu đậm lắm! Tôi, người đứng ngoài cuộc, chỉ nghe thấy còn sót xa cay đắng, huống chi nạn nhân. Phải buồn lắm! Phải nản chí lắm! Khi thấy đời linh mục của mình, chấp nhận sống cô đơn, với bao nhiêu hy sinh âm thầm cho đàn chiên, giờ đây phải nhận chịu những oan khiên, những phủ phàng và những bạc bẽo từ những người mình từng thương yêu, chăm sóc. Người ta quên hẵn những lợi ích tinh thần đang hưởng, trái lại quá nặng lòng với những tốn phí tiền bạc cho linh mục. Ở Canada, bỗng lễ đã được Toà Giám Mục địa phương quy định rõ ràng và khá chi tiết: di chuyển một cây số bao nhiêu xu, lễ cưới, lễ mồ bao nhiêu và lễ ngày thường bao nhiêu? Những quy định nầy khác nhau chút ít tùy theo địa phận, nhưng cùng giống nhau một điểm: linh mục luôn nhận thù lao ở mức tối thiểu.
Tôi nhớ có lần rất tận tình làm lễ đám tang cho một người công giáo, nhưng khi tôi đưa giá một trăm năm mươi đồng của Toà Giám Mục quy định khi cử hành một đám tang cho thân phụ người quá cố, ông ta bất bình bảo “TOO EXPENSIVE!” Tôi nóng mặt nhưng vẫn nhẫn nhịn cắt nghĩa: Nếu số tiền một trăm năm mươi đồng quá nhiều đối với ông, thì ông không phải trả công cho tôi năm mươi đồng, nhưng xin trả cho nhà thờ một trăm đồng. Trong địa phận tôi, Toà Giám Mục quy định lễ đám tang một trăm năm mươi đồng và linh mục được một phần ba, tức năm muơi đồng. Ông ta ném tờ giấy bạc một trăm đồng cho nhà thờ và bỏ đi. Tôi nhìn theo ông, lòng buồn vô hạn. Buồn! không vì mất năm mươi đồng, nhưng vì lòng người sao quá hẹp hòi đối với những hy sinh của một linh mục. Gia đình 4 người, ăn vặt một bữa cũng mất năm mươi đồng.
Nếu muốn làm giàu và có nhiều tiền, không ai chọn làm linh mục cả. Sao có thể gọi là giàu và có nhiều tiền khi lương tháng không hơn một ngàn đồng. Sao gọi là dư dã, khi phải mất cả ba giờ đồng hồ để cầu nguyện, dâng lễ và chôn cất người chết mà chỉ được thù lao năm mươi đồng? Toà Giám Mục, khi quy định lương bỗng và những thù lao cho linh mục, đã theo nguyên tắc: không để linh mục đói khổ, nhưng cũng không để linh mục dư dật, sống trong giàu có, xa hoa. Nhưng thật ngạc nhiên! Buổi chiều ngay hôm đó ông ta quay lại, đưa cho tôi hai trăm đồng và ấp úng nói “Sorry, Father, for your service!” Tôi nghiêm nghị nói rõ từng tiếng: không, tôi không lấy tiền công! Lúc đó, ông ta mới kể cho tôi nghe rằng: sau đám tang, ông ta và con dâu ông, đến gặp luật sư ba tiếng đồng hồ về chuyện di chúc và tài sản của con trai ông. Ông phải trả cho luật sư bảy trăm năm mươi đồng, cộng với thuế. Tôi cười nửa miệng bảo thầm: bây giờ mới sáng mắt! Linh mục cầu nguyện một tiếng đồng hồ đêm hôm trước, làm lễ đám xác một tiếng, đi chôn ở nghĩa trang cũng mất cả một tiếng đồng hồ. Linh mục mất ba tiếng đồng hồ cho đám xác. Nhà thờ cũng phải chi phí điện, sưởi để phục vụ đám tang và quét dọn sau đó. Chỉ đòi một trăm năm mươi đồng mà ông cho là “too expensive!” Tôi nhất định không lấy số tiền hai trăm đồng thù lao. Tôi muốn ông nhớ suốt đời lời kết án “TOO EXPENSIVE!” đã dành cho tôi.
Tôi thật thương người anh em trong chức linh mục. Tôi thương cả những ai đã gây những tổn hại tinh thần cho anh em linh mục chúng tôi. Trình bày hay báo cáo sinh hoạt giáo xứ, đạo đạt những yêu cầu mục vụ với Toà Giám Mục là chuyện của Linh Mục có trách nhiệm buộc phải làm định kỳ. Giáo dân không bị buộc hay khuyến khích trực tiếp với Toà Giám Mục, nhưng trực tiếp với mục tử của mình. Anh chị em đã tìm hiều thấu đáo, đã trình bày cặn kẻ với mục tử của mình về bỗng lễ và giá lễ trước khi “tâu” với Toà Giám Mục chưa? Nếu vị mục tử đã bất chấp những quy định của Toà Giám Mục về bỗng lễ hay tiền xin lễ. Anh chị em được khuyến khích đến gỏ cửa Toà Giám Mục với mục đích điều chỉnh sai sót của vị chủ chăn. Xin đừng lầm tưởng rằng: Các Giám Mục người Canada sẽ rất thương yêu và nể trọng những ai đến tố cáo linh mục của mình. Lầm to! Họ coi thường cả cha lẫn con và thường vấn đề vẫn còn đó, chờ thời gian giải quyết. Sự hiện diện của ba mươi lăm ngàn người Công Giáo Việt Nam ở Canada không là yếu tố quyết định cho sự sống còn của Giáo Hội Canada. Ba mươi năm trước, không có chúng ta, Giáo Hội Canada vẫn phát triễn. Canada, một quốc gia đa văn hoá. Thành Phố Toronto có hai triệu rưởi dân và có hơn một trăm năm mươi sắc dân khác nhau. Sắc dân Việt Nam cũng chỉ là một sắc dân nhỏ trong hàng trăm sắc dân khác. Nên chuyện lục đục trong các giáo xứ Việt Nam không là mối quan tâm hàng đầu của Giám Mục địa phương đâu.
Chúng ta là đàn chiên Chúa. Đàn chiên nào cũng cần mục tử. Mục tử là người được sai đến với anh chị em. Đàn chiên không có quyền chọn mục tử hay “mướn” mục tử theo sở thích của mình. Chủ chiên biết nhu cầu thiêng liêng của đàn chiên và sai người chăn chiên đến thường xuyên để ban thức ăn thiêng liêng nuôi sống đàn chiên. Anh chị em không nên tước quyền chủ chiên để quy định linh mục đến bao nhiêu lần trong một tháng. Có sự khác biệt rất lớn giữa linh mục và Cha Sở. Cha Sở là linh mục, nhưng linh mục không hẳn là Cha Sở. Có thể mướn một linh mục làm lễ, nhưng không thể mướn linh mục đó làm cha sở, làm mục vụ hay chăm sóc linh hồn giáo dân. Cha Sở là linh mục được Giám Mục địa phận sai đến với một cộng đoàn hay một giáo xứ nhất định. Cha sở có trách nhiệm chăm sóc giáo dân trong giáo xứ được ủy thác, linh mục không có trách nhiệm đó. Cha Sở buộc phải dạy dỗ, ban các bí tích, thăm viếng kẻ liệt, ban bí tích xức dầu bệnh nhân trong giáo xứ, linh mục không có trách nhiệm nầy. Giám Mục địa phận sẽ không bao giờ bổ nhiệm linh mục theo yêu cầu của giáo dân. Nếu theo yêu cầu giáo dân để bổ nhiệm linh mục thì có lúc cũng phải theo yêu cầu của giáo dân để bãi nhiệm linh mục. Nếu anh chị em nghĩ rằng: Giáo dân làm chủ giáo xứ và giáo dân có quyền chọn chủ chăn cho mình. Tôi nghĩ rằng anh chị em đã bị ảnh hưởng Tin Lành khá nặng nề. Trong Giáo Hội Công Giáo, Giám Mục là đầu của địa phận, là chủ chăn, nắm cả quyền tư pháp, lập pháp và hành pháp. Giám Mục địa phận có quyền thiết lập hay giải tán một cộng đoàn hay một giáo xứ. Giáo Hội được điều hành theo nguyên tắc: Chủ chăn dẫn đầu và đàn chiên theo sau. Không chấp nhận nguyên tắc ngược lại: Đàn chiên đi đầu và lèo lái chủ chiên. Chính Chúa Giêsu khi gọi các môn đệ đã nói: “Hãy theo Ta! Hãy nghe tiếng Ta! Hãy giữ những lệnh truyền của Ta!” Xin hãy khiêm tốn theo sau chủ chăn. Xin hãy vui vẻ chấp nhận vị chủ chăn được sai đến với anh chị em. Chấp nhận không có nghĩa là bài bác hay khai trừ, nhưng thương yêu và nâng đỡ. Nâng đỡ không chỉ là chuyện biếu xén quà cáp hay xin lễ ‘béo’, nhưng còn là chuyện giúp đỡ, góp ý xây dựng trong tình bác ái, trong tình cha con để chủ chăn và đàn chiên đều tìm thấy đồng cỏ xanh, suối nước trong và nơi nghỉ ngơi an bình. Người Công Giáo Việt Nam hải ngoại đa số đã liều mạng sống, vượt biển tìm tự do: tự do sinh sống, tự do làm ăn, tự do học hành và nhất là tự do giữ đạo. Nếu thế, đời sống đạo chúng ta phải phát triễn mạnh mẽ lắm! Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người đang yếu đức tin, nhiều con chiên đang tách ra khỏi bầy đàn và muốn làm chủ chiên. Hãy cẩn thận! Không khéo, chúng ta thành chiên lạc và rơi xuống vực sâu!
Không ai trên trần gian nầy lại không thích có tiền hay ham có nhiều tiền. Chúng tôi dù là linh mục cũng không sao thoát khỏi cái nghiệt ngã tham sân si nầy. Anh em linh mục chúng tôi yếu đuối lắm! Chúng tôi biết vậy, nên thường hay khuyên bảo nhau giữ ‘BA ĐỪNG’: đừng nói, đừng sờ và đừng vay mượn tiền bạc. Cộng đoàn dù lớn hay nhỏ cũng nên có trương mục ngân hàng, có ban tài chánh hay ít là hai người lo chuyện tài chánh như đếm tiền rỗ Chúa Nhật, bỏ tiền vào ngân hàng và báo cáo tài chánh hay cỗ động quyên góp. Linh mục không nói về tiền, không đếm tiền và không dính vào những chuyện vay mượn hay kinh doanh kìếm tiền. Điều đó không có nghĩa là linh mục không biết hay không có quyền chi xài tiền của cộng đoàn vào những chuyện hợp lý và cần thiết. Nhưng có nghĩa là linh mục chỉ muốn ‘gần bùn mà chẳng hôi tanh vì bùn!’ Hãy học cách quản trị tiền bạc nơi các giáo xứ người Canada, rất rõ ràng và minh bạch. Có lẽ nhờ đó, linh mục coi xứ người Canada ít bị mang tiếng tham tiền hay thâm lạm tiền bạc.
LM. Phêrô Trần Thế Tuyên
(theo vietcatholic
9.4.08
MỤC TỪ VIỆT NAM HẢI NGOẠI BÀI 1
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 komentarze:
Đăng nhận xét