CLICK HERE FOR THOUSANDS OF FREE BLOGGER TEMPLATES »
“Hỡi anh em, ta hãy trung tín cùng Đức Chúa Trời cho đến chết ; cho đến chết, không một điều gì có thể dập tắt lòng thương mến Chúa Giêsu Kitô trong trái tim ta" (Những lời sau cùng của Chân Phước Anrê Phú Yên)

17.4.08

LINH MỤC CẦN THIẾT RA SAO TRONG GIÁO HỘI?

Hỏi: xin cha giải thich rõ vai trò và sứ mạng của linh mục trong Giáo Hội và trong đời sống của giáo dân.

Trả lời: Gần đây có những bài viết mang nội dung tiêu cực về hàng linh mục nói chung. Thí dụ có một số người đã không đồng ý gọi linh mục là “cha” vì cho là sai văn hóa Việt-Nam. Có người còn quá đề cao “chức linh mục thường tác” của giáo dân (the common priesthood of the laity) qua phép rửa đến mức coi “linh mục thừa tác” (ministerial priests) là không cần thiết nữa!

Để có một cái nhìn đúng đắn về địa vị và chức năng (competence) của linh mục trong Giáo Hội và trong đời sống của người tín hữu nói riêng, thiết tưởng cần nhắc lại ở đây những giáo huấn căn bản của Giáo Hội về thiên chức và vai trò của linh mục trong sứ mạng chung của Giáo Hội.

I.- Linh mục là AI?

Để trả lời cho câu hỏi này, ta cần đọc lại giáo huấn của Giáo Hội qua các văn kiện quan trọng dưới đây:

1.- Hiến Chế Tín Lý (Dogmatic Constitution) Lumen Gentium của Thánh Công Đồng Vaticanô II dạy như sau: “Linh mục được thánh hiến theo hình ảnh Chúa Kitô, Thầy Cả Thượng Phẩm vĩnh viễn (x. Dth 5:1-10; 7:24; 9: 11-28) để rao giảng Phúc Âm, chăn dắt tín hữu và cử hành việc phụng tự Thiên Chúa với tư cách là tư tế đích thực của Tân Ước.” (x. LG. số 28)

2.- Sắc Lệnh về Chức Vụ và Đời Sống Linh mục (Presbyterorum Ordinis) nói rõ như sau: “Vì được tham dự vào chức vụ của các Tông Đồ theo phần vụ của mình, nên các linh mục được Thiên Chúa ban ơn sủng để làm thừa tác viên (Ministers) của Chúa Giêsu Kitô giữa muôn dân, và thi hành chức vụ thánh rao giảng Phúc Âm để muôn dân trở nên hiến lễ đẹp lòng Chúa và được Chúa Thánh Thần thánh hoá.” (số 2)

3.- Sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo (SGLGHCG) cũng nói như sau về chức Linh mục: “Do bí tích truyền chức thánh, các linh mục tham dự vào những chiều kích toàn cầu của sứ mạng mà Chúa Kitô đã trao cho các tông đồ. Là những cộng sự viên thành thạo của hàng giám mục mà họ là những trợ lực và là những dụng cụ, các linh mục được Chúa gọi để phục vụ Dân Chúa; và cùng với vị Giám Mục của mình, họ làm thành một linh mục đoàn duy nhất, với những chức vụ khác nhau.” (x. số 1565, 1567)

Tất cả những lời dạy trên đây về chức vụ và vai trò của Linh mục đã phản ảnh nội dung câu Kinh Thánh sau đây: “Quả vậy, thượng tế nào cũng được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội.” (x. Dt 5:1)

Nói khác đi, linh mục là người phàm được chọn trong số phàm nhân để thi hành sứ vụ của Chúa Kitô trong trần thế. Đó là sứ vụ rao giảng Tin Mừng Cứu Độ và dâng lễ đền tội cho mình và cho người khác nhân danh Chúa Kitô (in persona Christi) Thầy Cả Thượng Phẩm đời đời.

II.- Sứ Vụ và Vai trò của Linh mục trong Giáo Hội và trong đời sống của tín hữu

1.- Trong Giáo Hội

Trong Giáo Hội, Sứ vụ này rất cao trọng và cần thiết, vì theo lời Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Tông Huấn Pastores Dabo Vobis (Ta sẽ cho các ngươi những Mục Tử), thì “không có Linh Mục, Giáo Hội sẽ không thể sống được đức vâng lời căn bản nằm trong chính tâm điểm của đời sống và sứ mạng của mình, đó là vâng lệnh truyền sau đây của Chúa Kitô: ‘anh em hãy ra đi, và làm cho muôn dân thành môn đệ của Thầy’, (Mt 28:19) và ‘anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.’” (Lk 22:19; 1Cor. 11:24). (x. Pastores Dabo Vobis: Introduction)

Hai lệnh truyền trên đây của Chúa Kitô cho các Tông Đồ trước khi Người về trời đã chỉ rõ sứ mạng của Giáo Hội nói chung và của hàng tư tế (Giám mục, Linh mục) nói riêng. Đó là sứ mạng rao giảng Tin Mừng Cứu Độ cho muôn dân cho đến ngày cánh chung tức là ngày tận cùng của sự sống trên trần gian này.

Đặc biệt là chức năng cử hành lại Bữa Tiệc ly và Hy Tế của Chúa Kitô trong Thánh Lễ Tạ Ơn (Eucharist) để biến bánh và rượu nho thành Mình và Máu Chúa Kitô cũng như xin ơn cứu độ cho nhân loại ngày nay cùng thể thức và mục đích mà Chúa Kitô đã dâng mình tế lễ Đức Chúa Cha một lần khi xưa trên thập giá. Nghĩa là, “Mỗi lần hy tế thập giá được cử hành trên bàn thờ, nhờ đó ‘Chúa Kitô chiên vượt qua của chúng ta chịu hiến tế’ (1Cor 5,7) thì công trình cứu chuộc chúng ta được thực hiện.” (x. Lumen Gentium. 3).

Chính vì tầm quan trọng và ơn ích lớn lao này của Thánh Lễ Tạ Ơn – mà linh mục được phép cử hành nhờ chức thánh – nên Giáo Hội đã dạy rằng “Thánh lễ là nguồn mạch và là chóp đỉnh của đời sống Kitô giáo” (LG. số 11) bởi vì “Phụng vụ, nhất là Lễ Tạ Ơn, là nguồn mạch từ đó ân sủng tuôn tràn trong chúng ta và làm cho con người được thánh hoá trong Chúa Kitô một cách vô cùng hữu hiệu; đồng thời Thiên Chúa cũng được tôn vinh: đây cũng là cứu cánh của mọi việc khác của Giáo Hội.” (x. SC, số 10).

Như vậy, có thể nói một cách loại suy (analogy) là nếu không có linh mục thì không có Giáo Hội (no priests = no Church) vì không có linh mục thì không có Thánh Lễ Tạ Ơn là “nguồn mạch và là đỉnh cao của đời sống Giáo Hội” tức là không có ơn phúc nuôi sống Giáo Hội về mặt thiêng liêng. Mặt khác, không có linh mục thì Giáo Hội không thể thi hành mệnh lệnh của Chúa Kitô về việc loan báo Tin Mừng cho muôn dân cũng như không có ai “làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy” hầu xin ơn cứu độ cho nhân loại ngày nay.

Đúng vậy, vẫn biết Giám Mục là những người thừa kế các Tông Đồ xưa của Chúa Kitô, nhưng Giám Mục cũng xuất phát từ hàng linh mục, chứ không phải từ trời rơi xuống. Và để thi hành sứ vụ của mình, Giám mục phải cần đến những người cộng tác đắc lực và hữu hiệu là Linh mục để chia sẻ sứ vụ và trách nhiệm của mình. Là cộng sự viên đắc lực của hàng Giám Mục, Linh mục được chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô nhờ bí tích truyền chức thánh (Giám mục chia sẻ trọn vẹn, Linh mục chia sẻ một phần) để dâng thánh lễ Tạ Ơn mang lại những ân sủng lớn lao cho đời sống Giáo Hội như đã nói ở trên.

2.- Trong đời sống của tín hữu

Đành rằng Đức Thánh Cha và các Giám mục hiệp thông là những vị lãnh đạo tối cao của Giáo Hội hoàn vũ và địa phương, nhưng người thay mặt các ngài để trực tiếp chăm sóc tín hữu về mặt thiêng liêng lại là các linh mục. Cụ thể, khi có nhu cầu về bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể, hoà giải và xức dầu thánh, giáo hữu không thể chậy đến với Đức Giáo Hoàng, hay các Hồng Y, Giám mục mà phải tìm đến các linh mục đang trực tiếp coi sóc mình ở các giáo xứ địa phương.

Do đó, nếu không có linh mục thì giáo dân sẽ không có đời sống bí tích, tức là mất hẳn nguồn tiếp tế lương thực thần linh để nuôi dưỡng đức tin và lãnh nhận ơn cứu chuộc của Chúa Kitô. Ngoài ra, cũng không có ai trực tiếp giảng dạy lời Chúa và giáo huấn của Giáo Hội cho giáo dân nếu không có linh mục thay mặt cho Giám mục để làm sứ vụ quan trọng này.

Người tín hữu, qua phép rửa, cũng được chia sẻ Chức Linh Mục đời đời của Chúa Kitô qua 3 sứ vụ quan trọng là ngôn sứ, tư tế và vương đế. Đây là chức linh mục thường tác của người giáo dân nhờ phép rửa (the common Priesthood of the Laity). Nhưng chức linh mục thường tác này khác xa chức linh mục thừa tác (Ministerial Priesthood) của hàng tư tế (Giám mục, Linh mục) không những về cấp bậc mà còn về yếu tính, mặc dù “cả hai đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô theo cách thức riêng của mình.” ( LG. 10).

Người giáo dân tham gia chức ngôn sứ và vương đế bằng đời sống nhân chứng của mình trước mặt người đời. Nghĩa là qua đời sống chứng tá, giáo dân rao giảng Chúa Kitô là Chân lý, là Công lý và là Vua tình thương cho người khác.

Trong sứ vụ tư tế, người giáo dân dâng lên Thiên Chúa mọi vui buồn, sướng khổ của mình hiệp với hy tế của Chúa Kitô mà Linh mục dâng thay trên bàn thờ mỗi khi cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn. Nhưng giáo dân không được phép rao giảng Tin Mừng trong nhà thờ và cử hành các bí tích của Giáo Hội, trừ bí tích rửa tội trong trường hợp nguy tử không tìm được linh mục hay phó tế.

Như thế, giáo dân rất cần phải có linh mục để lãnh nhận các bí tích, đặc biệt là ba bí tích Thánh Thể, hoà giải và xức dầu thánh. Không có bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, đời sống thiêng liêng của giáo dân sẽ khô héo như cây cối, hoa mầu không được tưới nước.

Như vậy cho thấy Linh mục đóng một vài trò quan trọng thế nào trong đời sống tinh thần của người tín hữu. Tuy nhiên, trong tương quan giữa giáo dân và linh mục, cần tránh hai thái cực sau đây:

1.- Quá đề cao hay thần thánh hoá linh mục

Coi linh mục như những “vị thánh sống” giữa người trần thế. Đó là thái độ cung kính đến khiếp sợ, thể hiện qua cách chào kính như: “con xin phép lậy cha” của các giáo hữu thời xưa ở Miền Bắc Việt-Nam mỗi khi gặp một linh mục dù già hay trẻ.

Đó là thời người giáo dân không dám có ý kiến gì với cách giảng dạy và cư xử của linh mục. Họ đã vô tình biến các linh mục thành “các vị quan sang, quyền chức” thay vì là những mục tử nhân lành với sứ mạng chăm sóc cho đoàn chiên thay mặt Chúa. Rất may là thời gian đã thay đổi não trạng này.

2.- Coi thường linh mục như những người không cần thiết

Ngược lại với thái cực trên, là thái độ coi thường linh mục đến mức thiếu kính trọng đúng mức vai trò và chức năng của linh mục trong Giáo Hội. Cụ thể, có những người muốn tránh không chào hỏi linh mục ngay sau khi tham dự thánh lễ ra về, hoặc gặp ở nơi công cộng. Họ chỉ cần hay nhớ đến linh mục khi có con cháu rửa tội, thêm sức, rước lễ lần đầu, kết hôn, nhất là khi gia đình có người đau nặng hay qua đời mà thôi.

Ngoài ra, người ta cũng xoi bói những lầm lỗi của một số linh mục để từ đó tỏ ra xem thường hàng linh mục nói chung. Nhưng đây chỉ là cung cách hay thái độ của một thiểu số mà thôi.

Cả hai thái cực trên đây đều không đúng mức

Trước hết, cần hiểu cho đúng là Linh mục, dù cao trọng trong thiên chức và trách nhiệm, vẫn là con người như mọi người khác. Nói khác đi, nếu bí tích rửa tội không biến đổi người ta thành những “thiên thần” sau khi được rửa tội, thì bí tích truyền chức thánh cũng không thay đổi nhân tính của người được thánh hiến như Giáo Hội đã dạy sau đây:

“Sự hiện diện của Chúa Kitô trong các thừa tác viên (Minister) không có nghĩa là họ được giữ gìn khỏi những yếu đuối của con người, khỏi óc thống trị, khỏi sai lầm và cả tội lỗi nữa. Quyền năng của Chúa Thánh Thần không bảo đảm tất cả các hành vi của các thừa tác viên với cùng một hiệu quả như nhau. Sự bảo đảm này, dù được dành cho các bí tích đến mức tội lỗi của thừa tác viên không thể cản trở hiệu quả của bí tích, nhưng trong nhiều hành vi khác của thừa tác viên vẫn có những vết tích không luôn là những dấu chỉ trung thực của Phúc Âm và do đó có thể phương hại đến những thành quả của công việc tông đồ của Giáo Hội.” ( x, SGLGHCG, số 1550)

Như thế, có nghĩa là, khi linh mục nhân danh Chúa Kitô để cử hành các bí tích, thì các bí tích này thành sự viên mãn (perfectly valid), cho dù linh mục là người tội lỗi với ít nhiều khuyết điểm con người. Nhưng, những khuyết điểm này không phương hại gì đến sự hữu hiệu của các bí tích mà linh mục cử hành nhân danh Chúa Kitô.

Do đó, khi đến với linh mục trong bí tích và sứ vụ thì chúng ta đến với Chúa Kitô hiện diện trong tác vụ của thừa tác viên loài người là linh mục chứ không đến với cá nhân của thừa tác viên này. Vậy, cần phân biệt rõ điều này để đừng đánh giá sứ vụ của linh mục qua phẩm chất con người của linh mục.

Tóm lại, phải kính trọng đúng mức vai trò và chức năng (competence) của linh mục phát xuất từ sứ vụ (ministry) nhận lãnh từ chính Chúa Kitô qua thánh chức linh mục. Kính trọng linh mục trong sứ vụ này là kính trọng Chúa Kitô mà linh mục là thừa tác viên bất xứng nhưng được gọi để phục vụ thay mặt cho Chúa. Sự bất toàn của linh mục về mặt con người chỉ là lý do để tín hữu gia tăng việc cầu nguyện và nâng đỡ để các ngài trở nên hoàn hảo, xứng đáng hơn mà thôi.

Đó là lý do Giáo Hội luôn mong đợi sự thông cảm, nâng đỡ, nhất là cầu nguyện cho các thừa tác viên của Chúa (Phó tế, Linh mục và Giám mục) cũng như cầu nguyện cho ơn thiên triệu để có thêm thừa tác viên phục vụ cho dân Chúa ở khắp nơi trong Giáo Hội cho đến ngày cuối cùng của thời gian.

LM Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

->Đọc thêm...

0 komentarze: