Vào những năm 1970, văn hào Nguyễn Mạnh Côn, trong hai tác phẩm danh tiếng, mang tựa đề là "Yêu anh vượt chết" và "Giấc mơ của Đá", đã mô tả tình yêu như một "năng lực siêu việt, huyền nhiệm" vượt thắng mọi trở ngại lớn lao trong cuộc đời. Thậm chí Thần chết hay là Vua đá cũng bị tiêu vong, hoại diệt… trước vòng tay ôm ghì chặt của hai người đang trở thành « một xương, một thịt ».
Chắc hẳn, Nguyễn Mạnh Côn sẽ dễ dàng tương đắc với Gabriel Marcel. Nhà văn hào người Pháp nầy đã khẳng định :
" Yêu ai là khẳng quyết với người ấy : Em không bao giờ chết. Em bất diệt trong suốt cuộc đời của anh."
Sau 70 tuổi đời, ngày ngày làm chứng nhân trực tiếp, trước bao nhiêu vấn đề phức tạp và phiền toái của con người, trong thế giới ngày hôm nay, tôi muốn điều chỉnh lại những câu nói của các tác giả trên đây :
"Tình yêu chỉ làm cho con người trở thành bất diệt, khi tình yêu ấy là một kỳ công đối thoại thực sự giữa hai người".
Nói như vậy tôi muốn nhấn mạnh và khẳng quyết hai điều :
1- Chỉ có tình yêu thực sự, khi tình yêu ấy biết đối thoại trong mọi hoàn cảnh, với bất kỳ trở ngại nào.
2- Chỉ có đối thoại thực sự, khi đối thoại tạo điều kiện cho con người biết yêu thương nhau, như anh chị em và có khả năng cùng nhau ngồi lại giải quyết những vấn, đề do cuộc sống đặt ra.
Trong tinh thần và ý thức ấy, đối thoại phải kết thúc bằng việc làm cụ thể : xây dựng với nhau một thế giới, một quê hương, trong đó mỗi người không trừ sót ai, bất kể vì lý do gì, đều có quyền thương và được thương. Ai ai cũng bắt tay vào công việc, với tất cả năng lực và điều kiện hiện thực của mình. Không một ai chỉ ngồi chờ « quả sung từ trên cao tự nhiên rơi vào miệng ». Mỗi người là một con én làm nên mùa xuân, trên từng tấc đất của Quê hương và cuộc đời.
Câu chuyện sau đây minh họa một cách ý vị thế nào là làm nên mùa xuân bằng đối thoại.
1- Câu chuyện về Trạng và công cuộc cải tổ triều đình
Tôi không biết Trạng được nói tới trong câu chuyện nầy là ai, ở xứ nào. Có thể đó là một đạo sĩ, một thiền sư hay là một nhà hiền triết, một bậc thánh nhân.
Trong câu chuyện, Trạng là người thấu suốt sự đời. Trạng đi lang thang, khắp đó đây, gõ cửa mọi nhà, đem tình thương và hơi ấm cho nhiều người thiếu phương tiện. Bất kể phương tiện nào, vật chất hay tinh thần, của cải hay tiền bạc.
Chỗ nào Trạng đi qua, theo như lời truyền tụng, vợ chồng yêu nhau hơn. Con cái nghe lời cha mẹ. Cha mẹ biết chuyện trò với con cái.
Khi có một vấn đề hơi phiền hà và phức tạp xảy ra, Trạng đến, Trạng mĩm cười. Ăn trầu với người nầy, hút thuốc với người kia. Chơi đùa chạy nhảy với các em bé trong làng...Thế rồi, bao nhiêu vấn đề cũng từ từ biến tan. Không ai hiểu được vì lý do gì. Họ hỏi Trạng, muốn theo học với Trạng, Trạng chỉ mĩm cười trả lời : "Trạng biết gì đâu mà chỉ dạy ! Thôi, hãy đi tìm một vị thầy ở chỗ khác mà học !".
Thế mà Triều đình Nhà Vua hay tin về Trạng. Chính lúc ấy, Triều Đình đang gặp nhiều khủng hoảng trầm trọng. Và không một ai có thể xác định khủng hoảng xuất phát từ đâu, vì lý do gì.
Trạng được triệu về hoàng cung. Lâp tức, Trạng đưa ra điều kiện : Mỗi lần được triệu về, Trạng xin Triều đình ứng trước 50 lượng vàng, bằng không Trạng không về, mặc dù bị chém đầu. Khi hay tin như vậy, mọi người dân ngơ ngác, bỡ ngỡ, kinh hoàng :
"Có bao giờ Trạng lấy của ai một đồng xu nhỏ. Thế sao bây giờ Trạng đòi hỏi một giá tiền quá cao như thế?".
Chính nhà Vua cũng nổi giận lôi đình, sai quân lính đi chém đầu Trạng. Nhưng tất cả Triều Đình sụp lạy và can ngăn :
"Xin nhà Vua hãy thư thả. Hãy chấp nhận điều kiện, cho Trạng về. Nếu sau đó, Trạng không làm gì được, Nhà Vua hãy chém đầu. Làm sao Trạng có thể chạy Trời khỏi nắng ?".
Lần đầu tiên, sau khi nhận lãnh 50 lượng vàng, Trạng đã về trình diện :
"Thưa Triều đình, tôi được triệu về để giải quyết nhiều vấn đề. Triều đình đã họp nhau lại, kê khai và viết thành văn bản những vấn đề ấy chưa ?".
Triều đình ngơ ngác, không biết trả lời thế nào.
Lập tức, Trạng đứng dậy ra về :
- "Trạng không thể giải quyết gì cả, nếu Triều đình chưa họp lại, kê khai những câu hỏi rõ ràng và chép thành văn bản".
Sau ba tháng, Triều đình đã làm xong bản báo cáo. Trạng được triệu về lần thứ hai, sau khi nhận lãnh thêm 50 lượng vàng.
Lần nầy Trạng đặt câu hỏi :
- "Triều đinh đã cùng nhau họp lại suy nghĩ, đề nghị nhiều cách giải quyết khác nhau, cho mỗi vấn đề chưa ?"
Lại một lần nữa Triều đinh ngơ ngác. Trạng đứng dậy ra về.
Sáu tháng sau, Triều đình đã khảo sát xong xuôi mọi vấn đề. Trước mỗi bế tắc, Triều đình đã đề nghị sáu cách giải quyết khác nhau.
Lần nầy cũng như mấy lần trước, Trạng nhận lãnh 50 lượng vàng và được triệu về lần thứ ba :
"Trong sáu cách giải đáp cho mỗi vấn đề, Triều đình đã ngồi lại thảo luận và chọn lựa cách nào gọi được là hữu hiệu nhất chưa ?"
Lần sau cùng, khi Triều đình đã viết thành văn bản cách chọn lựa và quyết định của mình, Trạng được triệu về.
Lần nầy Trạng mang về trả lại cho Triều đình bốn lần 50 lượng vàng. Tổng cộng là 200 lượng.
Trước mặt Vua quan, Trạng đã kết luận :
"Từ nay, Triều đình đã có phương pháp làm việc".
Trước mỗi vấn đề, chúng ta phải trao đổi, trao đổi và trao đổi. Ít nhất ba lần trao đổi, trước mỗi quyết định. Mỗi cách giải quyết đều có tính tạm thời. Không có gì vĩnh cửu dưới trời đất nầy. Những vấn đề sẽ trở lại nay mai... Chúng ta cũng sẽ phải ngồi lại khảo sát, trao đổi và chọn lựa với nhau.
Kính thưa quí vị !
Từ giờ phút nầy, Quê Hương không phải chỉ có một Trạng mà thôi. Co bao nhiêu người dân, là có bấy nhiêu Trạng, với đầy đủ khả năng giúp nhà Vua lãnh đạo đất nước.
***
2- Những bài học do Trạng để lại
Câu chuyện trên đây cho phép mỗi người trong chúng ta ghi nhận những bài học hay là những cách giải quyết "tan đá, chảy vàng" và "vượt thắng sự chết".
Thứ nhất : Trạng được triệu về để giải quyết những vấn đề khủng hoảng trong nội bộ triều đình. Nhưng thực ra, Trạng không giải quyết gì hết. Nói đúng hơn, Trạng từ chối can thiệp từ ngoài. Trạng không hành xử như một vị cứu tinh đến từ trên, có mọi quyền năng và phù phép siêu việt, thần thánh. Trạng không đến với một "giải pháp có sẵn" trong túi áo của mình.
Thứ hai : Trạng không chấp nhận làm việc không công. Trạng đòi hỏi một số vàng lớn lao, tượng trưng sự quyết tâm vững chãi của Triều đình muốn đổi mới nội bộ. Không có điều kiện tiên quyết nầy, Triều đình sẽ không bao giờ giải quyết vấn đề với tất cả thực chất, thực lực và thực tâm của mình.
· Thực ở đây có nghĩa là sự thực, thực tại, không giả dối.
· Tuy nhiên, thực còn có nghĩa là nồi cơm, ba bữa ăn hằng ngày. Cái gì đụng đến nồi cơm, cái ấy mới có khả năng đòi hỏi chúng ta dấn thân, nhập cuộc. Nồi cơm cũng có ý nghĩa tương đương với sinh mạng. Cho nên Trạng là con người đầu tiên có khả năng khẳng định lòng quyết tâm của mình, bằng cách sẵn sàng đưa cổ cho Nhà Vua chém.
Thứ ba : Cuộc sống làm người bất kỳ với ai, ở đâu, dưới thời đại nào...luôn luôn có vấn đề. Ở đâu con người phải chung sống với nhau, ở đó những va chạm, xung đột…là lẽ thường tình, Nói cho cùng, làm người, không ai có thể "sống một mình" mà không cưu mang người anh chị em đồng bào, đồng loại, trong tâm tư và hoài bão của mình. Thậm chí, đó là một thiền sư, một vị tu hành... đang lấy Trời làm nhà, lấy Đất làm chiếu và lấy rừng núi cô liêu làm bạn tri kỷ...Và khi vấn đề nầy được giải quyết xong xuôi, thì vấn đề khác lại xuất hiện. Không vấn đề nào giống vấn đề nào. Cho nên, không có một lối giải quyết "độc nhất vô nhị", làm chìa khoá mở ra được mọi cánh cửa.
Thứ bốn : Khi có một vấn đề xảy ra, bất kể ở địa hạt hay là mang thức dạng nào... mọi người trong cuộc lớn bé, già cả, địa vị cao thấp, thuộc phái nam hay phái nữ, đều là những người có quyền, có bổn phận và trách nhiệm tham dự vào công việc giải quyết. Cho nên, mọi người trong cuộc có quyền được lắng nghe, phát biểu, đóng góp ý kiến.
· Lãnh đạo không phải là một mình giải quyết một cách đơn phương mọi vấn đề của tập thể mà mình có trách nhiệm hướng dẫn.
· Trong một xã hội, không phải chỉ những thành viên có tiền tài, quyền lực và chức vị mới có tiếng nói. Phàm là người, ai ai cũng phải được cư xử, như là một con người có tiếng nói.
· Trong một gia đình, không phải chỉ có cha mẹ mới có tiếng nói và con cái phải "dựa cột mà nghe".
· Nếu không được nói, không học tập để nói và để được nghe, không lạ gì con cái chúng ta sẽ trở thành cao bồi, du đảng, trác táng, vào tuổi vị thành niên. Phải chăng đó là cách nói, của những con người không bao giờ có tiếng nói, trong cuộc đời làm người?
Thứ năm : Khi có một trăm người phát biểu thì sẽ có một trăm ý kiến hay là một trăm cách giải quyết khác nhau. Đó là lẽ thường tình trong cuộc đời. Hẳn thực, có người mơ thấu trời. Có người lặn xuống biển. Có người bay tà tà ngang mặt đất. Tất cả mọi người có nhu cầu được lắng nghe và được tham khảo. Và sau khi được lắng nghe, nghĩa là được coi trọng, có lẽ họ không còn coi ý kiến của mình là số một. Thêm vào đó, ý kiến của mỗi người đã từ từ thay đổi, biến dạng, bên cạnh những ý kiến khác khi được phát biểu. Một hạt nước ở bên cạnh một hạt nước khác, đã bắt đầu làm nên đại dương.
Thứ sáu : Tuy dù bá nhân bá tánh, như tôi vừa mới trình bày, nhiều ý kiến sẽ từ từ hội tụ. Và có những ý kiến sẽ ly tán, tách rời khỏi trung tâm đầu tiên, để lập thành một trung tâm thứ hai. Rốt cuộc, sau một buổi trao đổi, chia sẽ qua lại, ba bốn trung tâm sẽ thành hình một cách rõ rệt.
Trong câu chuyện trên đây, Trạng đã chọn sáu trung tâm. Đó là một cách chọn lựa đại lượng, cởi mở và can đảm. Thông thường, trong những cuộc trao đổi, tập thể chỉ chọn lựa ba hoặc bốn trung tâm là quá đầy đủ.
Thứ bảy : Để lấy quyết định cuối cùng, Trạng đã sử dụng tiêu chuẩn "nồi cơm", có nghĩa là thực tế và sinh mạng. Nói cách khác, cái gì là quan trọng số một cho chúng ta ? Vì cái gì, tôi sẵn sàng mất nồi cơm hằng ngày ? Còn hơn thế nữa, vì cái gì, tôi không sợ mất mạng ? Vì cái gì tôi cố quyết bắt chước Thượng đế, trở nên bất diệt và bất tử, không còn lo sợ gì cả ?
Thứ tám : Mặc dù với phương pháp làm việc nghiêm chỉnh, đặt nền móng trên sự tôn trọng lẫn nhau, theo ý của Trạng, chúng ta vẫn có thể sai lầm. Nếu không thành công, sau một thời gian được tiên liệu, chúng ta hãy cùng nhau đánh giá và quyết định lại. Xét lại, tìm cách chuyển hóa những sai lầm… đâu phải là điều xấu hổ.
Hẳn thực, mỗi ngày, chúng ta có trách nhiệm quyết định lại cuộc đời của mình. Nếu công việc không thành tựu ở đây, chúng ta hãy can đảm làm chuyện khác, một cách khác, ở nơi khác, với người khác ...Tâm lý ngày nay dạy chúng ta: "No failure. Only feed-back". Tôi xin chuyển ý :
Không có thất bại tuyệt đối, trong cuộc đời làm người. Đó chỉ là bài học dạy chúng ta rút kinh nghiệm, thay đổi. Thất bại không còn là thất bại nếu thất bại ấy có khả năng “đút cơm và nuôi sống” giá trị làm người của chúng ta.
Mùa Xuân 2007
NGUYỄN Văn Thành
Lausanne, Thụy Sĩ
15.4.08
Chỉ có những bài học,không có thất bại… trong cuộc đời làm người
Autor: conggiao o 09:11
Etykiety: 10. SỐNG ĐẠO
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 komentarze:
Đăng nhận xét