Truyện ngắn “Sợi Tóc” của Thạch Lam (trong Tự Lực Văn Đoàn – tiền chiến) kể câu chuyện của một nhân vật tên Thành tự thuật tâm trạng mình trong một lần định chôm ví tiền của bạn. Từ ý định nảy sinh khi thấy bạn để nhiều tiền trong ví (bóp), đến những toan tính, những kế hoạch tiến hành, và cả đến những dự phòng rủi ro khi bị phát giác, đều được Thạch Lam miêu tả rất tinh tế và tỉ mỉ. Cuối cùng thì Thành không thực hiện ý đồ ăn cắp, và ngạc nhiên tự hỏi “tại sao mình vẫn còn là người lương thiện ?”. Thành nghĩ : “Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ là cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ”. Tác giả kết luận : “ranh giới giữa cái ‘thiện’ và cái ‘ác’ chỉ là một ‘sợi tóc’ mong manh, không hơn không kém”.
Tâm trạng tôi trong những ngày Mùa-Chay-cuối-đời ‘nhìn lại mình’ để tổng kết cuộc “nhân-sinh-quý-thích-chí” (chữ dùng của Nguyễn Công Trứ) cũng không khác mấy so với tâm trạng Thành trong “Sợi Tóc”. Cứ thử nghĩ kỹ mà xem, có phải là khi chúng ta nảy sinh một dục vọng (ham muốn) nào đó, thì hình như chúng ta chỉ thấy và bị chế ngự bởi chính cái dục vọng ấy, ngoài ra không còn chỗ cho những tư tưởng khác chen vào ? Chẳng hạn, cái tham vọng trong một cuộc bầu cử (từ những người không được giới thiệu làm thụ cử, đến những người thụ cử thất bại trong cuộc đầu phiếu), hoặc cái ý đồ chơi trội, nổ, ganh tị lớn nhỏ, ham tiền ham của, hám danh hám lợi … trong những khía cạnh và môi trường khác … quả thực nó đã chứng minh cho chúng ta thấy lằn ranh giữa ‘thiện’ và ‘ác’ thật mong manh – mong manh như một ‘sợi tóc’ vậy. Đến nỗi mà có nhiều khi chúng ta không thấy được ‘sợi tóc’ đó, cứ cho tất cả lời nói, việc làm, thậm chí cả những suy nghĩ của chúng ta đều đúng, đều tốt, đều xuất phát từ cái ‘tâm’ cả.
Tôi có một người bạn làm trong ban phục vụ một hội đoàn Công Giáo. Lúc nào cũng thấy ảnh nói : “Tôi nói, tôi làm bằng cái tâm”, nghe rát cả tai, bởi thực tế nó chứng minh ngược với điều mà ảnh muốn chứng tỏ. Có một lần, tôi nói bâng quơ với cả ban PV : “Trong lời cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng có câu : ‘Đừng trao Người cho ác tâm quân thù’. Như vậy thì ra cái tâm nó cũng có ‘thiện tâm’ và ‘ác tâm’ đấy chứ !”. Từ đó không thấy ảnh đem cái tâm ra khoe nữa. Sự thiện và sự ác cùng nằm trong cái tâm của một con người (“Trong mỗi con người, đều có cốt cách của một vị thánh nhân cũng như của một tên đại bợm” – ngạn ngữ Tây phương), chính vì thế nên nhiều khi vô tình (kể cả cố ý), người ta đã đánh đồng chúng lại làm một, tuỳ theo lăng kính và góc độ nhìn nhận vấn đề. Cũng có lẽ câu tục ngữ “lập lờ đánh lận con đen” xuất phát từ hàm ý đó.
Vấn đề là ở chỗ, Thạch Lam đã dùng nhãn quan của một nhà văn lãng mạn hơi nghiêng về hiện thực (ở tiền bán thế kỷ XX), dựa trên triết lý nhân sinh để nhận định vấn đề, nên mới cho nhân vật băn khoăn không hiểu “cái khoái lạc kỳ dị” là “khoái lạc của sự cám dỗ” hay “khoái lạc đã đè nén được cám dỗ”. Thực ra, cái “khoái lạc kỳ dị” mà Thành cảm nhận được, nó không phải một, mà là hai trạng thái khác hẳn nhau, thậm chí đối lập với nhau. Sự khoái lạc của Thành đi từ trạng thái thoả mãn dục vọng vật chất (tham tiền), đến trạng thái thoả mãn của tinh thần (đạo đức chế ngự, chiến thắng được cám dỗ), nhưng vì chúng xuất hiện chỉ cách nhau có một sợi tóc, nên Thành mới “có lẽ…” và “cũng có lẽ …”
Ba cái kho chứa tâm lực của con người là : Ý thức (hiểu rõ ngay vấn đề) + Tiềm thức (phải có cơ hội hay sự kiện khơi dậy vấn đề) + Vô thức (không cách gì khơi gợi được vấn đề, và chỉ hiểu được khi nó đã tự phát xảy ra, không do một nguyên cớ nào). Chính những suy nghĩ và lý luận của Thành xuất phát từ tiềm thức, được ‘cái ví’ của người bạn đánh động, chuyển sang kho ý thức để từ đó nảy sinh ý đồ với những toan tính kỹ càng để ăn cắp cái ví, sau đó từ trong vô thức, đức tính nhân bản bật ra để chế ngự, thế là Thành ‘đè nén’ được cơn cám-dỗ-ngọt-ngào. Vậy phải chăng ‘đức tính nhân bản’ trong cái kho ‘vô thức’ ấy, chính là cái ‘lương tâm’, ‘lương tri’ như chúng ta vẫn quen gọi ?
Triền miên suy nghĩ về ‘thiện’, ‘ác’ và cái ranh giới giữa chúng với nhau, tôi chợt giật mình vì thấy hình như mình đã sa chân vào kiểu phân tâm hoc theo trường phái Sigmund Freud. Nên chi khi dừng lại ở cái “khoái lạc kỳ dị bị cám dỗ” đã vội đổ thừa là tại cái tiềm thức (mỗi người đều có tự bẩm sinh) vốn đã sẵn chứa cái dục vọng vật chất ấy rồi. Còn cái “khoái lạc kỳ dị đè nén được cám dỗ” cũng là do cái “đức tính nhân bản” tự phát từ cái kho vô thức bật ra mà thôi. Và nếu quả thật như thế, thì con người sẽ không phải chịu trách nhiệm gì về những tư duy và hành động của mình hay sao ?
Đúng là đã có cái gì đó đang lèo lái, hướng dẫn con người của chúng ta. Một con tàu, một cái xe hay một con thuyền khi nhắm tới một mục đích, mục tiêu nào đó, tất nhiên phải nhờ vào sự lèo lái của tay lái (bánh lái). Câu nói trong dân gian “Mũi dại, lái chịu đòn” nghĩ cho kỹ mới chỉ thấy đúng được có … một nửa (“lái chịu đòn”), vì ở đây không có “mũi dại” hay “mũi khôn” , bởi vì để đưa tới cái gọi là “dại” hay “khôn” ấy, đều do anh “lái” cả. Bởi anh không lái vào chỗ quang đãng, mà lại lái đâm sầm vào bụi gai, vào đá tảng, nên anh mũi lãnh đủ, còn anh lái chẳng hề hấn gì, cùng lắm, anh lái chỉ “chịu trách nhiệm” ! Câu tục ngữ này sử dụng kiểu vần liền “dại -> lái” cho dễ đọc dễ nhớ chớ đúng ra phải viết thế này : “lái dại, mũi chịu đòn” mới phải (cũng tựa như câu tục ngữ “quít làm cam chịu”). Còn nếu hiểu chịu đòn là chịu trách nhiệm, thì chỉ có thể viết “Lái dại, lái chịu đòn” (cũng vần đấy chứ !). Bàn cho vui vậy thôi, chớ thực sự câu tục ngữ này phải hiểu theo nghĩa bóng : Lãnh đạo (đầu tàu, mũi tàu) mà làm sai (dại), thì thầy dùi (cố vấn lèo lái) – dù có ‘dùi’ hay không – cũng lãnh đủ cơn lôi đình của lãnh đạo (ấy là chưa kể tới ‘búa rìu’ dư luận).
Như vậy thì cái “khoái lạc kỳ dị bị cám dỗ” là do cái dục vọng vật chất tiền của lèo lái, còn cái “khoái lạc kỳ dị đè nén được cám dỗ” là do ‘lương tâm’, ‘lương tri’ lèo lái. Bên nào mạnh, bên ấy sẽ thắng ! Không có sự giằng co “nửa cân – tám lạng”, bất phân thắng bại; cũng không có sự phân vân nửa vời, nửa thì nghiêng bên ni, nửa thì bên nớ được, bởi kết cục thì hoặc là anh khoái lạc vì đã chôm được bộn bạc, hoặc là anh khoái lạc vì thấy cái tâm của mình vẫn còn trong sạch. Đi xa hơn một chút, là một Kitô hữu thì cái dục vọng cũng ‘same same’ như mọi người vậy, nhưng cái lương tri và lương tâm ấy, phải chăng chính là do ‘Thần Khí’ Chúa ban cho ? Nếu không, thì Người Thầy ‘hiền lành và khiêm nhường’ đâu có nhắc bên tai : Đúng vậy, “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6, 24).
Quả thật, sự mời gọi, sự hấp dẫn của dục vọng vật chất (viên kẹo cám-dỗ-ngọt-ngào), nó khác xa với chén thuốc đắng “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16, 24). Tâm lý chung của con người dù biết rõ là ‘thuốc đắng đã tật’ nhưng vẫn thích ngậm kẹo hơn là uống thuốc, cho nên mới dễ bị lầm bởi những ‘viên đạn bọc đường’.
Nói đến ‘lương tâm’, ‘lương tri’ của một con người là nói đến cái “nhân chi sơ, tính bản thiện” (nhân bản), còn nếu là một Kitô hữu thì đó chính là nhân bản xã hội + nhân bản Kitô giáo, hay nói khác hơn, đó chính là ‘Thần Khí’ Chúa ban tặng con người. Cũng có thể nói, chúng ta được Thiên Chúa dựng nên đồng hình đồng dạng với Người, thì Thiên Chúa luôn đồng hành với chúng ta (“Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” – Mt 28, 20), thậm chí còn luôn ở trong chúng ta nữa (“Như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, xin cho họ cũng được ở trong Chúng Ta” – Ga 17, 21). Nhưng con người lại có “tự do hành xử theo phán đoán của mình” (“Thiên Chúa tôn trọng phẩm giá con người do chính Ngài tạo nên, con người ấy phải được tự do và đuợc hướng dẫn theo chính phán đoán của mình” – “Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo”, 11). nên anh nhà giàu mới ỉu xìu bỏ đi khi nghe Đức Giêsu bảo phải bán hết của cải chia cho người nghèo, rồi mới theo Người được (Mt 19, 22). Rõ ràng sự chọn lựa anh “lái’ lại là của chính chủ thể con người, nên chi mới ra cớ sự ! Nói khác đi, nhiều khi vì cái lưc hấp dẫn của dục vọng vật chất quá mạnh, chúng ta đã không còn nghĩ tới (hoặc quên béng đi) sự hiện diện, sự đồng hành của Thiên Chúa bên chúng ta, trong chúng ta.
Thiển nghĩ những khi lựa chọn anh “lái”, phải hết sức tinh tế để biết được đâu là ‘chén thuốc đắng’, đâu là viên kẹo ‘đạn bọc đường’. Anh lái phải thật ngon lành, bởi chính anh là người hướng dẫn. Vậy nên khi lựa chọn sự hướng dẫn cũng tức là lựa chọn cho mình một cuộc sống có lý tưởng. Chọn cho mình một lý tưởng hướng dẫn cuộc sống mình, cũng tức là người sống có mục đích. Sống có mục đích là con đường ngắn nhất để nên thánh – nên thánh giữa đời. Mà muốn được như thế thì chỉ còn một cách duy nhất là cầu nguyện, cậy trông và phó thác vào thánh ý Thiên Chúa. Chỉ có Người mới thực sự là lẽ sống lý tưởng duy nhất cho chúng ta, bởi chính Người là lương tri – lương tâm – thiên tính – thiên lương hướng dẫn chúng ta tới mục đích cuối cùng : Nước Trời.
Cũng đã sắp sửa bước vào Tam Nhật Vượt Qua của Đức Giêsu Kitô, Thầy Chí Thánh. Xin thân thưa với Người : “Thầy ơi Thầy, Thầy đã vượt qua cơn cám dỗ của Satan, đã vượt qua bản tính loài người mềm yếu nơi vườn Cây Dầu, đã vượt qua những thử thách vượt quá sức tưởng tượng của chúng con trong cuộc Thương Khó, và cuối cùng Thầy đã VƯỢT QUA SỰ CHẾT, chiến thắng tử thần, PHỤC SINH VINH HIỂN. Xin “Mời Thầy ở lại với chúng con, vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn” (Lc 24, 29), để giúp chúng con vượt qua được sợi tóc (tuy rất mong manh, nhưng thật khó nhận ra để vượt qua nó), hầu cho chúng con đến gần Thầy hơn, được ở trong Thầy, được Thầy nuôi dưỡng – như xưa trong Mầu Nhiệm Bẻ Bánh nơi bữa Tiệc Ly, trước khi bước vào Mầu Nhiệm Vượt Qua”.
Đã định ngưng viết ở đây, nhưng chẳng hiểu sao nghe thấy cụm từ Mầu nhiệm Bẻ Bánh, bỗng dưng lại thấy bức xúc, chỉ muốn được ‘lang thang’ tiếp. Vâng, thực sự có bức xúc khi mới đây được mời dự ‘Chầu lượt’ tại một Giáo xứ. Tôi đọc được trong tờ bướm in lời dẫn giờ Chầu câu này : “Chúa đã đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa”.
Tôi giật mình khi thấy nhận định này đã vật-chất-hoá một Mầu nhiệm, một Bí tích. Thông thường, khi chúng ta muốn ‘đổi’ một vật gì, chúng ta sẽ nhận lại (hoặc thay thế bằng) một vật khác hẳn (Ví dụ như hồi xưa, các cụ đem đổi một con gà để lấy mấy lon gạo, chẳng hạn). Hiểu như trên, cũng chẳng khác gì đám người Pha-ri-siêu khi nghe Đức Giê-su Ki-tô nói “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, sẽ được sống đời đời”; họ nghĩ rằng làm sao có thể ăn thịt và uống máu con của một ông thợ mộc được, nên họ mới nhạo cười “Ông ấy có thể xẻ thịt cho chúng ta ăn, cắt máu cho chúng ta uống, để được sống đời đời ư ? Xạo quá !” (Ga 6, 52-59). Sở dĩ vậy, vì họ không tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật. Nếu như họ tin, thì họ sẽ hiểu rõ “không một sự gì mà Thiên Chúa không làm được”.
Ở đây, Đức Ki-tô chọn hai thứ vật chất loài người thường gặp hằng ngày trong những bữa ăn, để mọi người nhìn thấy cho dễ hiểu, sau đó Người mới dùng quyền năng Thiên Chúa biến thành Thịt và Máu của Người. Nếu Người chỉ đổi, thì khi “cầm lấy bánh” và “cầm lấy chén”, hà tất Người phải “đọc lời chúc tụng, tạ ơn (Thiên Chúa Cha) …”. Hiểu được vậy, vấn đề sẽ sáng tỏ : Hình sắc và mùi vị của rượu + bánh vẫn y nguyên không thay đổi, chỉ có bản chất, bản tính của bánh + rượu trở thành Thịt và Máu Chúa Ki-tô thôi. Như thế thì sự sống Chúa nói đến, tất nhiên không phải là sự sống nơi trần thế, mà là sự sống vĩnh cửu mai sau. Cho nên mới gọi là Bí tích, là Mầu nhiệm Thánh Thể, và đòi hỏi phải có đức tin mới cảm nghiệm được vậy.
Rõ ràng, Đức Ki-tô muốn cho các môn đệ (và cả loài người chúng ta nữa) tin vào Ơn Cứu Độ do chính Người thực hiện theo Thánh ý của Thiên Chúa Cha. Và cũng tất nhiên, Người muốn chúng ta đừng chỉ sống một cuộc sống hoàn toàn vụ vật chất ; bởi chưng ngoài thể xác với đủ những tham sân si của thất tình lục dục ra, con người còn hơn hẳn vạn vật vì có cả một đời sống tâm linh nữa (“nhân vi vạn vật chi linh” –Nho giáo). Chúng ta cứ quan sát và tìm hiểu cặn kẽ những bệnh nhân ‘sống đời sống thực vật’, thì sẽ thấy đời sống tâm linh quan trọng đến mức độ nào. Có thể nói con người không có đời sống tâm linh thì cuộc sống cũng chẳng khác gì gỗ đá vô tri vô giác. Vì vậy, tất cả mọi tôn giáo đều chung một mục đích là hướng con người đến đời sống tâm linh. Tuy nhiên, cũng cần thiết phải nói ngay là hướng đến thôi, chớ không phải là tạo nên một cuộc sống phi vật chất, như đã có một trường phái triết học chủ trương để đối lập với chủ nghĩa thực dụng (hiện đang thịnh hành trên thế giới, nhất là ở các nước Âu Tây). “Có thực mới vực được đạo”, người ta không thể sống ở trên đời này nếu không có vật chất (lương thực, thực phẩm và những tiện nghi khác …).
Viết tới đây, ngẫu nhiên tôi nhớ tới câu chuyện một thanh niên xin theo Đức Ki-tô, nhưng trước khi đi theo Người, thì người ấy xin được về chôn cất cha mình mới chết. Đức Ki-tô bảo “Hãy để người chết chôn người chết” (Lc 9, 59-60). Người đã chết rồi lại có thể chôn người chết được ư ? Sao lại có một câu nói nghịch lý đến như vậy ? Nhưng nghĩ kỹ lại, thì thấy Đức Ki-tô muốn ám chỉ ‘người chết’ ở đây là những người đã chết về mặt tinh thần, về mặt tâm linh. Vậy thì với người thanh niên đó, Chúa muốn nói như thế này : “Anh đã tìm thấy đường, thấy ánh sáng, thấy chân lý, tức là thấy sự sống rồi, thì hãy gắng lánh xa cõi chết tối tăm, nơi anh vừa thoát khỏi đó”. Cũng tựa như lời dậy : “Ai đã tra tay vào cày, mà còn ngoái lại đàng sau, thì không xứng đáng lo việc Thiên Chúa” (Lc 9, 62). Đức Ki-tô luôn dùng ngụ ngôn, du ngôn với “ý tại ngôn ngoại” rất phong phú. Và quả thực, Chúa đã biết rõ con người luôn bị những nặng nề, trì trệ của xác thịt níu kéo, nên lúc nào Người cũng chỉ muốn con người hãy hướng tới đời sống tâm linh, để ngày một gần gũi hơn, gắn bó hơn với chân thiện mỹ tuyệt hảo là Thiên Chúa Ba Ngôi.
Có một điểm giống nhau giữa đời sống tâm linh và đời sống vật chất, là cả hai đều rất cần đến thực phẩm. Thực phẩm vật chất là những đồ ăn, thức uống hàng ngày, và thực phẩm tâm linh chính là Lời Chuá. Lời Chúa tất nhiên phải phát xuất từ chính Con Người, từ chính Máu Thịt của Chúa, hay nói khác hơn, đó chính là Bí tích Thánh Thể, là Mầu nhiệm Bẻ Bánh – thực phẩm nuôi dưỡng đời sống tâm linh chúng ta vậy. Vâng, tất cả chúng ta hãy trở về với đời sống tâm linh, hãy cố gắng tránh xa những cơn ‘cám dỗ ngọt ngào’, những ‘viên đạn bọc đường’ ; hãy coi vật chất chỉ là phương tiện giúp chúng ta sống để phụng sự Thiên Chúa, phục vụ tha nhân ; hãy sống đời sống khó nghèo như lời khuyên của Phúc Am ; hãy coi tất cả chỉ là phương tiện để giúp chúng ta đạt đến cứu cánh duy nhất là chăm lo cho đời sống tâm linh ngày một phong phú tốt đẹp hơn, ngày một hoàn thiện, hoàn mỹ hơn.
Tránh xa hoặc tiêu diệt những dục vọng thấp hèn, giúp chúng ta “đến với Chúa và với anh em” bằng tất cả chân tình “hiến tế”; như xưa Đức Ki-tô đã vì chúng ta mà hiến tế chính mình trong “Mầu nhiệm Thánh Thể” và trên thập giá trong Mầu nhiệm Vượt Qua. Xin hãy đem tất cả những lo âu muộn phiền, những ân oán đố kỵ, những vui buồn sướng khổ, và cả những tội lỗi khiếm khuyết của bản thân, mà đặt lên Đĩa Thánh làm của hiến tế. Để được như thế, xin hãy ‘nhìn lại mình’, nhìn lại chính con tim (cái tâm) của mình đang có một ‘sợi tóc’, rồi “Lột trần chính con người của mình để gặp gỡ Thiên Chùa và giải thoát mình khỏi những quyến luyến lệch lạc, là xét mình… Thà bỏ việc nguyện ngắm còn hơn là bỏ việc xét mình” (“Những bài linh thao” – Thánh Inhaxiô). Từ đó, cậy nhờ vào Thần Khí Chúa Kitô hướng dẫn để chọn cho mình một cuộc sống có lý tưởng để tôn thờ, có mục tiêu duy nhất để tiến tới. Mục tiêu ấy, lý tưởng ấy, phải chăng chính là Đức Giêsu Kitô trong Mầu-Nhiệm-Bẻ-Bánh ?
JM LamThy Đinh Văn Diệm
9.3.08
S Ợ I T Ó C
Autor: conggiao o 09:07
Etykiety: 06. SUY NIỆM - LỜI CHÚA
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 komentarze:
Đăng nhận xét