1- Vài chuyện bên lề
Trước hết xin cảm ơn bạn đọc xa gần đã quan tâm tới bài viết của “thảo dân” này. Thích nhất là có một tốp thợ mới xuất hiện như Thợ Nề New York, Thợ Cầy làm cho Thợ Gặt thấy không bị lẻ loi. Bao giờ thuận lợi, đề nghị VietCatholic cho “hiệp hội thợ” này có dịp hàn huyên với nhau thì vui biết mấy. Xin cảm ơn tác giả Trương Phú Thứ đã có lời chúc tết đến gia đình Thợ Gặt. Thợ Gặt cũng có lời đáp lễ cầu chúc chân tình tới tất cả Quý bạn đọc của VietCatholic.
Tuy nhiên, cũng có bạn đọc nghi ngờ: hình như Thợ Gặt là quân sư quạt mo, quạt điện hay “dây mơ, rễ má” với bà Phó Chủ tịch thành phố nên bênh ghê quá.
Điều này xin thưa là, thảo dân cũng đôi ba lần được bắt tay bà dịp hiếu hỷ nào đó chứ nếu có “dây mơ rễ má” thì có khi đã chễm chệ ở cái ghế Trưởng ban Tôn giáo thành phố từ lâu rồi. Vì bà đang là nhân vật “nguồn cốt cán” đấy. Có lần, Thợ Gặt theo một Đức TGM ra chào thành phố. Nghe bà đọc diễn văn “sao y bản chính”, liền ghé tai một vị cán bộ hỏi nhỏ: “Người đẹp ở xứ nào ra vậy?” Vị ấy trả lời: Tài năng do Tổng Bí thư Đỗ Mười tiến cử đó. Câu chuyện nhiều sếp ở ta đọc văn mẫu thì cả thế giới đều biết chứ đâu phải riêng bà. Hồi những năm 80, có một vị lãnh tụ văn chương, lý luận nổi như cồn. Khi Thợ Gặt nói chuyện với ông nhà thơ- thư ký của vị lãnh tụ đó, ông ta bảo: Khen cụ đó thì khen cả ngày. Nhưng cụ đó chỉ đọc những điều tớ viết ra mà thôi. Lúc đó, tôi nghĩ ông nhà thơ này ngạo mạn quá. Xong có mấy dịp chứng kiến thì đúng thật. Có lần trong lễ mít tinh lớn, một vị lãnh đạo đọc diễn văn khá hùng hồn. Nhưng đến đoạn: “Đọc đến đây thì dừng lại vỗ tay” vị này cũng đọc ra luôn. Mọi người ngẩn ra một lúc rồi cười ồ lên. Lại tay thư ký ẩu. Lẽ ra chỗ đó phải in đậm hoặc gạch đỏ chứ.
Bởi vậy, tôi vẫn đinh ninh bà Phó Chủ tịch thành phố không soạn 2 công văn gửi Chủ tịch HĐGMVN và Tòa TGM Hà Nội hôm 11 và 26-1 vừa qua. (ở đây không bàn đến trách nhiệm của người ký). Cái công văn đó chính tả sai be bét, đứa trẻ lớp 3 cũng biết. Ví dụ các danh từ riêng như “Đức Mẹ, Thánh Giá” không hề được viết hoa. Nếu gửi cho người Hồi giáo kiểu này thì nguy to. Hơn nữa, bà đã tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị nên biết rõ quyền hạn của HĐGM, ai lại yêu cầu GM Chủ tịch can thiệp vào vụ việc ở 42 Nhà Chung hay giáo xứ Thái Hà. Đặc biệt, bà thuộc lòng các câu kinh điển của Mác, Lênin, Hồ Chí Minh nói về thái độ của Đảng đối với tôn giáo. Bà không thể “mệnh lệnh” với tôn giáo được vì đó là cách ứng xử mà Mác đã chửi thẳng “Đồ ngu, tôi đã nói với các anh từ 200 năm trước rồi cơ mà”.
2- Trở lại vụ Tòa Khâm sứ
Văn thư của Hồng y Bertone gửi TGM Hà Nội ngày 30-1-2008 đã làm cho giới chính quyền Hà Nội có thể kê cao gối ngủ ngon trong dịp Tết Mậu Tý vừa qua. Mặc dù việc cầu nguyện ở Thái Hà, Hà Đông vẫn còn rầm rộ nhưng ở xa Bờ Hồ cả chục cây số. Ông Chủ tịch quận Hoàn Kiếm lên tivi kể công “thuyết phục” giáo dân. Nhưng ai cũng thừa biết, nếu không có văn thư trên và sự vâng lời của giáo sĩ, giáo dân Hà Nội nghe theo lời khuyên của chủ chiên thì chắc sự việc đã rất khác. Một vị Bộ trưởng nói với tôi, chính Thủ tướng Việt Nam đã yêu cầu Vatican can thiệp. Nhưng một cán bộ cao cấp khác lại bảo, chính Vatican chủ động nêu vấn đề vì lo ngại bị chính trị lèo lái. Dù ai đặt vấn đề trước, theo tôi, như đôi trai gái yêu nhau, ai ngỏ lời trước cũng chẳng quan trọng. Vấn đề là họ chấp nhận yêu nhau.Vâng, xu thế đối thoại đang là xu thế của thời đại ngày nay.
Sau sự kiện Tòa Giám mục rước Thánh giá về và quận Hoàn Kiếm đóng cổng Tòa Khâm sứ lại, hình như sự vụ không tiến lên một bước nào. Có vài hiện tượng “lạ” như linh mục Trương Bá Cần viết bài trên Công giáo và Dân tộc số 1644 và 1645, rồi Hòa thượng Thích Trung Hậu gửi văn thư cho Thủ tướng yêu cầu phải cho Giáo hội Phật giáo Việt nam tham gia vào việc giải quyết vụ Tòa Khâm sứ. Nhiều bài viết phê phán gay gắt hai hiện tượng này, cho đó là do Nhà nước giật dây.
Theo tôi biết thì có thể là oan cho Nhà nước. Nhà nước Việt Nam thừa khôn ngoan chính trị. Họ có thể sai lầm nhiều thứ nhưng không sai lầm ngớ ngẩn với hai “vật thể lạ” này. Thật ra, những vị này cũng muốn “chia lửa” với Nhà nước lúc khó khăn, vì Nhà nước nuôi bao năm nên cũng muốn “đền ơn, đáp nghĩa”. Chỉ có điều họ “kính không bõ phiền”. Nói như linh mục Trương Bá Cần hóa ra Nhà nước này lẩm cẩm hay sao mà đất của Tòa thánh lại để cho linh mục Nguyễn Tùng Cương hiến tặng? Thật phi lý cũng giống như cơ sở 370 Cách mạng tháng Tám của báo CG&DT mà để cho Hòa thượng Thích Trung Hậu ký giấy nhượng cho báo Giác Ngộ vậy.
Nguy hiểm nhất là vị linh mục này lại khởi xướng cho việc những người di cư năm 1954 và di tản năm 1975 quay lại đòi nhà “trông coi giúp”. Mặc dù đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói thế trong thư chúc mừng Noel năm 1954 “Đối với những giáo hữu đã nhầm di cư vào Nam, chính phủ đã ra lệnh cho địa phương giữ gìn cẩn thận ruộng vườn, tài sản của những đồng bào ấy và sẽ giao trả lại cho những người trở về” (HCM tập 7, CTQG 2002, tr.417). Báo CG&DT chắc chắn bị Ban Tuyên giáo phê phán trong buổi giao ban thứ ba tới vì đã vi phạm lệnh cấm đăng tin bài liên quan đến vụ Tòa Khâm sứ và làm mất cả “uy tín” của “ủy ban đàn két công giáo” (theo cách gọi của Nguyễn Ngọc Lan). Một linh mục trong ủy ban này bảo sẽ “cạo trọc đầu” linh mục Trương Bá Cần trong phiên họp Đoàn Chủ tịch của Ủy ban vào ngày 27 và 28-2-2008 tại Hà Nội. Nhưng tôi cược là linh mục Trương Bá Cần sẽ cáo ốm không đi.
Có bạn đọc kêu gọi tẩy chay báo CG&DT và Ủy ban ĐKCGVN. Xin thưa, bạn đọc ở trong nước cũng thông minh lắm. Có giáo phận nhận được báo biếu, người ta gửi trả lại “vì nhầm địa chỉ”. Linh mục Võ Thành Trinh, Nguyễn Thái Bá là Chủ tịch của ủy ban này mà phải làm đơn kiện báo “Người Công giáo Việt nam”- anh em với báo CG&DT vì báo công giáo mà chửi cả Giáo hoàng và còn tuyên bố: “Và một lúc nào ai biết/ Nó sẽ cuốn phăng mọi lời Chúa răn” (Bài thơ Thỉnh Chúa số 4 ngày 28-2-1993). Tổng biên tập báo này nhiều đời không phải người Công giáo và ông Tổng biên tập hiện nay cũng chỉ đổ nước trên đầu lúc bé chứ lấy vợ cũng có phép tắc gì đâu và linh mục Võ Thành Trinh đã dứt khoát không cho vào ủy ban. Các linh mục Trương Bá Cần, Vũ Đình Bích, Phan Khắc Từ, định tẩy chay ông này vì cho là “công giáo không tử tế” và còn dọa “hoặc là có ông này hoặc là không có chúng tôi”. Nhưng ông đáp lại, ông còn tử tế hơn nhiều “đám linh mục ABC”. Kết quả, các linh mục trên lần lượt rời xới, còn ông hiện là Đảng ủy viên Mặt trận, Phó Tổng thư ký kiêm Tổng biên tập báo “Người công giáo Việt nam”. Và Nhà nước vẫn bỏ mỗi tháng 50 triệu đồng để nuôi tờ báo không có người đọc này.
Về văn thư của Hòa thượng Thích Trung Hậu còn nguy hiểm hơn bởi nó kích động thù hằn tôn giáo là điều cấm kỵ với xã hội. Nó khơi lại lịch sử Chân Lạp, Chiêm Thành, Giao Chỉ mà Nhà nước muốn khép lại từ lâu. Nó phủ nhận Nhà nước Việt nam được tạo dựng từ năm 1945 với pháp luật hiện hành. Mấy giáo sư nghiên cứu tôn giáo khi nghe tôi nói đến văn thư này đều bực tức nói: "Đây đúng là tay sai của Bắc Kinh hay CIA". Chắc chắn, cơ quan an ninh sẽ “sờ gáy” vị Hòa thượng này. Thời gian vừa qua có khá nhiều “sáng kiến, kiến nghị” của nhóm “Giao Điểm” gửi các vị lãnh đạo Nhà nước về “âm mưu của Công giáo” và như một ông giáo sư họ Chương viết trong “Về ý nghĩa của một bài học lịch sử” tháng 4-1995 đề nghị trang bị cho mỗi người 1 khẩu AK với 10 ngàn viên đạn để tiêu diệt hết dân Công giáo. Ông cũng đề nghị “lập Công giáo tự trị”, ai không theo thì trục xuất đi Philippin - hay một tác giả là Trần Văn Anh lại viết: “Jesus và các đệ tử của ông tàn ác hơn nhiều bạo chúa trong lịch sử” (Đối thoại với Bùi Tín ngày 27-2-1994)- Nói như thế là phạm thượng đấy vì Hồ Chí Minh nhiều lần ca ngợi lòng bác ái của Chúa Giêsu và còn xin “làm học trò nhỏ của Chúa Jesus Christ”. Một cán bộ nói thẳng, mấy ông muốn kiếm “vé” về nước thì cứ đặt vấn đề, còn kiến nghị kiểu đó, chẳng ai thèm nghe đâu. Bởi vậy, xin bạn đọc đừng mất thời giờ bàn về những “vật thể lạ” này nữa. Nhà nước Việt nam đâu phải trẻ con nít mà xui dại được.
Trở lại vụ Tòa Khâm sứ, Thủ tướng đã giao cho Ban Tôn giáo Chính phủ, UBND thành phố Hà Nội và mấy cơ quan chức năng nữa cùng xem xét để giải quyết. Nhà nước cũng muốn kết thúc vụ việc trước khi 2 phái đoàn Việt Nam và Vatican do 2 Thứ trưởng ngoại giao gặp nhau tại Roma vào đầu tháng 4 tới (mỗi bên có 4 người). Tin hành lang cho biết, quận Hoàn Kiếm đề nghị cấp cho giáo hội một mảnh đất khác có diện tích lớn hơn 42 Nhà Chung cũng được, còn vẫn để Tòa Khâm sứ cho quận Hoàn Kiếm sử dụng. Làm như vậy, quận Hoàn Kiếm không lo bị bồi thường hợp đồng xây dựng cao ốc ở đây và Nhà nước tránh được hiện tượng domino “đòi đất” ở nhiều nơi khác. Một cán bộ hỏi tôi về giải pháp này, tôi nói, chắc chắn Giáo hội không chấp nhận. Bởi lẽ đơn giản, Tòa khâm sứ không phải là đất bị quản lý hay hiến tặng thì làm sao xử lý như vậy được. Hơn nữa, tại sao quận Hoàn Kiếm không lấy mảnh đất rộng sắp cấp cho giáo hội để xây mà cứ nhất định lấy Tòa Khâm sứ? Nhân đây, cũng nói thêm là cả đất Khâm sứ và đất Thái Hà đều nói hiến ngày 24-11-1964. Chẳng lẽ, linh mục Bích, linh mục Cương rủ nhau đi hiến đất cùng ngày? Đây chính là ngày kê khai đất mà chính quyền yêu cầu và ít nhất đã 3 lần phải kê khai như vậy.
Liệu người Công giáo có đủ kiên nhẫn để chấp nhận một giải pháp thiếu công bằng như thế không và điều gì sẽ xảy ra khi Tuần thánh đang đến gần?
Thợ Gặt
VietCatholic News (Thứ Ba 26/02/2008 22:42)
27.2.08
Lại tiếp tục vào vai Nhà nước để nhận định
Autor: conggiao o 08:04
Etykiety: + TIN TỨC GIÁO HỘI
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 komentarze:
Đăng nhận xét